Tư duy mới trong quản lý đô thị

Tư duy mới trong quản lý đô thị
TP - Dù mới đi vào hoạt động nhưng bãi đỗ xe cao tầng tại 32 Nguyễn Công Trứ đã đạt hệ số khai thác 100%. Khách hàng đã hào hứng đón nhận một loại hình dịch vụ mới, còn doanh nghiệp và nhà quản lý từng bước hình thành nên một tư duy mới trong quản lý đô thị, đặc biệt là giải quyết vấn nạn thiếu bãi đỗ xe tại Hà Nội.

> Hơn 110 tỷ đồng xây hai điểm đỗ xe cao tầng
> Hà Nội sẽ đầu tư 4 bãi đỗ xe cao tầng

Khách hàng đón nhận

Ngày 16-7-2012, gara đỗ xe cao tầng đầu tiên của Hà Nội đã đi vào hoạt động. Trung tâm Thương mại và dịch vụ thuộc Tông Cty Vận tải là đơn vị quản lý khai thác dự án này.

Ông Tạ Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm cho rằng, thành công nhất của dự án chính là bãi đỗ xe này đã được khách hàng hào hứng đón nhận.

“ Theo kế hoạch hết năm 2012, chúng tôi sẽ đạt 60% hệ số khai thác bãi đỗ xe. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động, tất cả 30 điểm đỗ xe đều có chủ. Nhiều khách hàng chậm chân đã không có cơ hội”- ông Thắng chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ xe đã nêu các lý do để họ đưa xe đến đỗ tại đây: Một là, bãi đỗ xe đạt tiêu chuẩn an toàn, mỗi xe có một ngăn riêng, lại đỗ trên cao nên không lo ngại việc va chạm hay ngập nước, cây đổ…; Thứ hai là tính chuyên nghiệp của dịch vụ. Chỉ với việc đưa xe vào vị trí, chủ xe đã yên tâm, chiếc xe của mình được đưa vào đúng ô cần thiết. Mọi thao tác diễn ra nhanh và chính xác, giúp chủ xe hoàn toàn yên tâm vì không có bất cứ sơ suất nào. Điều cuối cùng chính là sự minh bạch về tài chính. Giá trông xe được công khai và thu đúng quy định.

Ông Tạ Đình Thắng cho biết, gara đỗ xe cao tầng tại 32 Nguyễn Công Trứ được xây dựng theo mô hình lắp ghép và vận hành hoàn toàn tự động theo công nghệ của Hàn Quốc. Gara sử dụng các tấm pallet và thang nâng để nâng hạ và cất giữ xe vào vị trí.

Hệ thống nâng hạ xe vận hành thông qua bảng điện tử đặt ở dưới chân mỗi blog. Khi khách vào gửi xe ô còn còn trống sẽ hiển thị trên bảng điện tử, nhân viên vận hành nhấn nút lập tức tấm tấm pallet hạ xuống để đưa xe vào vị trí. Thao tác này diễn ra tương tự khi lấy xe. Tất cả các công đoạn này chỉ diễn ra trong vòng từ 2 đến 3 phút/xe.

“Cửa” đã mở nhưng…

Ông Thắng cho rằng, công nghệ này cho phép thi công, lắp ghép trong điều kiện mặt bằng nhỏ hẹp (tối thiếu 30m2), có thời gian tháo lắp chỉ hết 15 ngày.

“Đây là giải pháp mang tính đột phá đối với hạ tầng giao thông tĩnh trong tương lai, khi mà quỹ đất dành cho giao thông tĩnh hạn hẹp”- ông Thắng nói.

Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, song để mở rộng mô hình này trên địa bàn toàn thành phố lại là việc quá khó. Ví như, bãi đỗ xe 5 tầng, 30 chỗ đỗ tại Nguyễn Công Trứ, Transerco đã phải đầu tư 12 tỷ đồng.

Với mức phí như hiện tại, 30.000 đ/lượt; 2,5 triệu đồng/xe/tháng thì việc hoàn vốn mất khoảng 20-30 năm. Rõ rang là mục tiêu lợi nhuận của loại hình này không đạt được.

Theo các chuyên gia đô thị, việc đầu tư các bãi đỗ xe cao tầng tại Hà Nội là một xu hướng tất yếu, giúp giải quyết nhu cầu đỗ xe và cao hơn là giúp hoạt động quản lý đô thị.

Để thu hút được các doanh nghiệp tham gia, nhà nước cần tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp. Ví như, TP Hà Nội cần ban hành phí riêng dành cho dịch vụ trông giữ xe mà doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư lớn. Hơn nữa, chính quyền cũng xác định giao thông tĩnh cũng là loại hình dịch vụ công ích và cần có những chính sách tài chính phù hợp.

Khi các bất cập này chưa được giải quyết đồng nghĩa với việc các dự án đỗ xe cao tầng vẫn chỉ nằm trên giấy, các bức xúc về đỗ xe chưa có lời giải.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG