Từ chuyện phá sản chiến lược nội địa hóa ô tô: Quy trình ngược!

Từ chuyện phá sản chiến lược nội địa hóa ô tô: Quy trình ngược!
TP -  “Chúng ta đã sai lầm khi dựa vào những nhà tư bản để mong có được một nền công nghiệp ô tô Việt Nam, vì với họ, lợi nhuận là điều quan trọng nhất. Đừng nghĩ họ đến đây để dạy ta làm ô tô”.

>> Chiến lược nội địa hóa ô tô: Phá sản

PGS.TS Dương Quốc Thịnh, Tổng Thư ký Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, khẳng định.

Từ chuyện phá sản chiến lược nội địa hóa ô tô: Quy trình ngược! ảnh 1
PGS.TS Dương Quốc Thịnh

Ông Thịnh cho biết: Đến nay Việt Nam có hơn chục liên doanh ô tô. Khi nói đến công nghiệp ô tô VN, không chỉ có liên doanh, còn có doanh nghiệp nội, họ đóng góp không ít cho Nhà nước, từ sản xuất xe ca, buýt, xe tải…

Hiện có khoảng 40 DN ô tô VN, đóng vai trò khá lớn trong việc cung cấp cho thị trường loại ô tô tải nhẹ, xe ca, xe buýt, giúp giảm bớt việc nhập khẩu.

Vì thế, nói đến công nghiệp ô tô, chúng ta nên soi xét cả hai mảng như thế. Có một thực tế là các doanh nghiệp nội đạt tỷ lệ NĐH khá cao, khoảng trên 40%, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh đăng ký tỷ lệ NĐH khá cao nhưng không thực hiện được.

Khó rút giấy phép 

Thưa ông, theo giấy phép đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tự đăng ký tỷ lệ NĐH, nay không thực hiện được, cơ quan quản lý có thể rút giấy phép đầu tư?

Từ chuyện phá sản chiến lược nội địa hóa ô tô: Quy trình ngược! ảnh 2Xây dựng nền công nghệp ô tô, vấn đề quyết định là đầu tư về công nghệ, chứ không phải vấn đề chính sách. Đó là công nghệ chế tạo máy, đúc, luyện kim… để VN có thể tạo ra được chi tiết máy. Chứ hiện chúng ta đang đi mua chi tiết về lắp ráp, và đó là công nghệ lắp ráp, chứ không phải công nghệ sản xuất.Từ chuyện phá sản chiến lược nội địa hóa ô tô: Quy trình ngược! ảnh 3

DN có lãi thì họ mới làm. Với các nhà tư bản đừng bao giờ mơ tưởng họ sẽ giúp ta xây dựng ngành công nghiệp ô tô. Cái mà họ quan tâm là lợi nhuận. Vì thế, khi xin giấy phép, họ cam kết đạt tỷ lệ NĐH (sau 10 năm đầu tư đạt khoảng 30-40%) là để không bị gạt ra, nhưng ta lại chưa có chế tài để xử phạt, rút giấy phép khi họ không thực hiện được cam kết.

Còn nói rút giấy phép, đây đều là những tập đoàn đa quốc gia, có ảnh hưởng và quan hệ khá chặt chẽ với chính phủ của nước họ, không phải nói rút là rút được.

Cách đây vài năm, một số DN điện tử rút khỏi VN, dù họ tự rút nhưng cũng gây nhiều ảnh hưởng khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp ô tô đóng góp hàng tỷ USD cho Nhà nước.

Cả 6 DN bị thanh tra đều không đạt tỷ lệ NĐH, thậm chí đạt rất thấp so với giấy phép đăng ký. Phải chăng có lỗ hổng chính sách, thưa ông?

Tôi không nghĩ có lỗ hổng về chính sách. Thời gian đầu, chúng ta không mời gọi, ưu đãi thì họ không vào, trong lúc mình đang cần ngành công nghiệp này.

Nhưng cùng một môi trường đầu tư, vì sao các doanh nghiệp trong nước đạt tỷ lệ NĐH cao, còn DN nước ngoài không đạt?

DN liên doanh chủ yếu sản xuất xe con, công nghệ cao, đòi hỏi dây chuyền đắt tiền hơn, độ chính xác rất cao, khác với dòng xe thông dụng. Ở đây chúng ta phải suy nghĩ, cam kết của liên doanh đạt được hay không chúng ta cũng phải bàn.

Còn phía mình, xác định phát triển dòng xe thông dụng, nghĩa là công nghệ vừa phải. Đây chính là mức độ đầu tư công nghệ. Nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc… để đạt mức độ hoàn thiện công nghệ ô tô mất từ 50-70 năm.

Tôi nghĩ ô tô là ngành công nghiệp đòi hỏi sự kiên trì, tăng trưởng dần, không thể có ngay được. Nếu muốn nhanh, như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, họ phải bỏ ra hàng tỷ đô la để góp vốn với đối tác, thậm chí góp nhiều tiền hơn để chi phối. Chứ không phải như ở ta, vào liên doanh, chủ yếu chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng đất...

Chưa thể nghĩ tới dòng xe chiến lược

Thưa ông, hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến để đưa ra việc sản xuất dòng xe chiến lược, theo ông đề xuất này có hợp lý?

Tôi cũng chưa hiểu vì sao họ đặt vấn đề này ra. Chúng ta kỳ vọng gì và tiến tới đâu khi đặt ra dòng xe chiến lược? Về mặt thuật ngữ, xe chiến lược, tức là lâu dài, nhiều người dùng, do VN sản xuất là chính. Xe này là xe tải hay là xe buýt?

Theo thống kê, xe chuyên dụng ở ta là xe buýt, xe tải, xe con. Ở VN, mỗi năm quy mô thị trường khoảng 100.000 xe, cho khoảng 50 DN, nếu chia đều mỗi DN sản xuất khoảng 2.000 xe với nhiều mẫu xe. Như vậy, mỗi mẫu chỉ vài trăm xe. Mà đã là xe chiến lược thì không nằm trong số này được, vì nó quá ít.

Theo ông, với thị trường nhỏ bé như chúng ta chưa nên nghĩ đến dòng xe chiến lược?

Thế nào là dòng xe chiến lược? Theo tôi, khái niệm này dành cho một đất nước khi mà nền công nghiệp ô tô đã tự chủ. Đến lúc đó, chẳng hạn cần tập trung hoàn thiện vào dòng xe buýt, thiếu cái gì thì nghiên cứu, hoàn thiện. Ví dụ, sơn chưa tốt thì nghiên cứu về sơn, tiện nghi chưa đầy đủ thì đầu tư hoàn thiện, nâng cao độ an toàn… để đạt tiêu chuẩn thế giới. Có nghĩa là, ta có thể làm được, và  tự chủ làm được. Nhật, Thái Lan… đã làm như vậy.

Mặt khác, về nguyên tắc, chúng ta phải có nền công nghiệp sản xuất ô tô rồi thì mới nghĩ đến dòng xe chiến lược, chứ không phải là làm ngược lại.

Cảm ơn ông.

Bá Kiên - Phạm Anh (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Hà Nội quyết định cắt điện, nước để xử lý hơn 10.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng
Hà Nội quyết định cắt điện, nước để xử lý hơn 10.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng
TPO - Tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Theo thống kê, từ năm 2014 đến tháng 6/2024 trên địa bàn thành phố đã phát hiện 10.494 công trình vi phạm trật tự xây dựng.