Tự bơi

Tự bơi
TP - Hội chứng tự kỷ ở trẻ em cho đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều bậc bố mẹ. Nguyên nhân gây nên căn bệnh quái ác này vẫn là điều mơ hồ. Tuy nhiên, đã có cách phát hiện và giúp những đứa trẻ không may mắn này trở lại cuộc sống bình thường.

Vậy nhưng trong hàng trăm nghìn trẻ em trên cả nước đang phải đối mặt với căn bệnh được xem là "gánh nặng xã hội" này, vẫn chưa nhận được sự chung tay của toàn xã hội.

Một phụ huynh đã khóc cạn nước mắt khi nhìn vào đôi mắt vô hồn của con, những hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ những người có trách nhiệm gần như không được đáp lại. Một người mẹ đã gõ cửa hàng loạt trường học với mong muốn con mình được tiếp nhận đến trường, nhưng những cái xua tay lạnh lùng khiến họ gần như tuyệt vọng. Nhiều người có con tự kỷ còn bị hàng xóm và bạn bè xa lánh vì sợ bệnh này… “lây” cho con cái họ!

Chống chọi mãi, nhiều năm nay ngành chức năng đã xếp trẻ tự kỷ vào nhóm trẻ khuyết tật. Nhiều người có con tự kỷ mừng thầm vì trẻ khuyết tật luôn là đối tượng được chăm sóc chu đáo, được ưu ái nhất của toàn xã hội. Vậy mà trong hai năm qua, mới chỉ có 20% trẻ em bị hội chứng này được đến trường, số khác phải sống trong cảnh bị bỏ rơi hoặc gia đình tự bơi, tự cứu chữa.

Không ít ông bố bà mẹ đã tự bơi bằng cách bỏ bê sự nghiệp, tuổi trẻ của mình để theo học các lớp tự phát dạy trẻ tự kỷ, tìm sách báo, lên internet nghiên cứu để rồi tự mở lớp dạy cho chính con mình. Ngành giáo dục hô hào năm 2010 phải đưa được 70% trẻ tự kỷ đến trường nhưng cho đến nay vẫn chưa có trường công lập nào ra đời để dạy trẻ tự kỷ.

Nhiều trường tư được cấp phép mở ra, thu hàng triệu đồng cho mỗi tháng học, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh, vì không có giáo viên, và thiếu phương pháp dạy trẻ tự kỷ… Trong khi đó những trường đào tạo giáo viên chuyên ngành này mỗi năm chỉ lèo tèo vài chục sinh viên ra trường, trong đó có không ít sinh viên đã quay lưng với ngành vốn lạ lẫm này.

Ngày càng có nhiều đứa trẻ sinh ra bỗng chốc trở thành câm lặng, vô hồn, ẩn mình trong bóng tối, hoặc gầm thét, cắn xé... Nhiều người làm cha làm mẹ đã khóc, đã chạy trăm phương nghìn kế để cứu con trong vô vọng. Có người phải dồn nén đớn đau khi xích tay con vào giường. Trẻ tự kỷ không nói được, không thể kêu cứu cho chính mình. Chúng có thể băng băng qua đường giữa dòng xe cộ vô tình, hiểm họa luôn rình rập. Và vẫn còn tiếp tục bơi trong dòng tử sinh nghiệt ngã như thế, đến bao giờ?

MỚI - NÓNG
Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm ‘sống nhờ’ di tích Quốc Tử Giám
Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm ‘sống nhờ’ di tích Quốc Tử Giám
TPO - Sau hơn 40 năm “sống nhờ” di tích Di Luân đường và khu vực lân cận, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) tổ chức di dời dứt điểm về nơi mới, nhằm khai thác tốt hơn không gian Quốc Tử Giám triều Nguyễn, cũng như từng bước xây dựng thiết chế văn hóa đúng nghĩa bảo tàng của địa phương.