Từ 1/7, thu hồi sổ hộ khẩu khi thay đổi thông tin

0:00 / 0:00
0:00
Công an TP Hà Nội làm thẻ căn cước công dân xuyên đêm
Công an TP Hà Nội làm thẻ căn cước công dân xuyên đêm
Khi công dân thay đổi thông tin về cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú

Bộ Công an vừa ra văn bản giới thiệu một số nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Cư trú năm 2020. Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ sổ hộ khẩu giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể, quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân (12 số trên thẻ căn cước công dân - CCCD) để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.

Xóa sổ sau năm 2022

Theo đó, cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo Bộ Công an, việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ CCCD hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.

Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương (điều 20), tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương. Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.

Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn TP trực thuộc trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

"Từ ngày 1/7, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú" - Bộ Công an thông tin. Ngoài ra, Bộ Công an cũng nêu rõ sau ngày 1/7, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật Cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Xu hướng tất yếu

Trước những lo lắng về việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ gây khó khăn trong các giao dịch hành chính, đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an cho rằng việc chuyển đổi quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân hoàn toàn không ảnh hưởng, thậm chí còn giúp việc xử lý các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện hơn. "Quản lý hộ khẩu vẫn được thực hiện trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vì thế các việc liên quan đến giao dịch đất đai, nhà cửa, y tế, học hành... không ảnh hưởng gì đến phương thức quản lý công dân bằng số định danh cá nhân" - vị đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp nhấn mạnh.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc bỏ hộ khẩu giấy và chuyển sang quản lý bằng dữ liệu điện tử sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho người dân lẫn các cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. "Đây là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ cũng như việc xây dựng Chính phủ điện tử. Đây cũng là cơ sở để quản lý dân cư một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, giảm bớt các thủ tục rườm ra, phiền hà cho người dân" - luật sư Cường nói.

Thông tin thêm, Bộ Công an cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn 2. Hệ thống này sẽ tập hợp thông tin cơ bản như họ tên, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân của tất cả công dân Việt Nam. Thông tin này được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, khi thu hồi sổ hộ khẩu sẽ không ảnh hưởng đến mọi hoạt động của công dân.

Luật Cư trú năm 2020 quy định công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình hoặc vợ chồng, anh chị em... về ở với nhau thì được đăng ký thường trú.

Theo Người Lao Động
MỚI - NÓNG