Truyền hình Nhật Bản: 200 người thiệt mạng tại bãi thử hạt nhân Triều Tiên

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, bãi thử tên lửa Punggye-ri tại núi Mantap ở tây bắc Triều Tiên có nhiều dấu hiệu sụt lún. Ảnh: Planet.com.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy, bãi thử tên lửa Punggye-ri tại núi Mantap ở tây bắc Triều Tiên có nhiều dấu hiệu sụt lún. Ảnh: Planet.com.
TP - Ngày 31/10, đài truyền hình Asahi của Nhật Bản đưa tin, tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên vừa xảy ra sập hầm, khiến ít nhất 200 người thiệt mạng.

Theo đài truyền hình Asahi, khoảng 100 công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng đường hầm mới tại bãi thử Punggye-ri bị vùi chết khi hầm sập. Khoảng 100 công nhân khác vào cứu nạn cũng tử vong sau khi vụ sập hầm thứ hai diễn ra. Asahi không nói rõ thời điểm sập hầm. Có nguồn tin cho rằng, vụ việc xảy ra hôm 10/10.

Theo Asahi, bãi thử tên lửa Punggye-ri là nơi thực hiện 5 trong số 6 vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên. Vụ thử lần thứ 6 diễn ra tại đây ngày 3/9 liên quan bom nhiệt hạch mạnh gấp 7 lần so với quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản hồi Thế chiến thứ 2. Vụ thử này được cho là đã làm cho ngọn núi Mantap ở tây bắc Triều Tiên bị suy yếu nghiêm trọng. Theo BBC, Triều Tiên thực hiện 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 và đều được thực hiện tại bãi thử Punggye-ri. Vừa có đồng bằng, vừa có núi ở phía tây bắc, đây được cho là bãi thử hạt nhân chính của Triều Tiên và là bãi thử hạt nhân duy nhất trên thế giới vẫn đang hoạt động. 

Nguy cơ rò rỉ phóng xạ

Đầu năm nay, hình ảnh vệ tinh cho thấy, thêm nhiều đường hầm và công trình đào bới xuất hiện ở khu vực bãi thử. Thiết bị thử được chôn sâu ở cuối đường hầm. Sau đó, đường hầm sẽ được lấp đầy để ngăn chặn chất phóng xạ rò rỉ và rồi thiết bị thử nghiệm được kích nổ. Hồi đầu tháng, các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo nguy cơ sụt lún của bãi thử Punggye-ri. Một số vụ động đất nhỏ liên tục thời gian gần đây cho thấy khu vực này ngày càng trở nên bất ổn. Mặc dù vị trí chính xác của vụ thử hạt nhân của Triều Tiên luôn được giữ bí mật, nhưng các nhà địa chấn học tin rằng, họ có thể xác định được vị trí trong phạm vi 100m.

Ngày 30/10, tại cuộc họp Quốc hội Hàn Quốc, Giám đốc cơ quan khí tượng thủy văn Hàn Quốc Nam Jae-cheol cảnh báo rằng, chỉ cần thêm một vụ thử hạt nhân ở khu vực này, ngọn núi có thể sụp đổ hoàn toàn và gây ra sự rò rỉ chất phóng xạ chết người. Các chuyên gia Mỹ cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự hồi đầu tháng và chỉ ra nguy cơ khu vực này sụt lún sâu. Ba trận động đất nhỏ diễn ra gần đây gần khu vực bãi thử cũng khiến cho núi Mantap đã yếu càng thêm yếu. Các nhà khoa học Trung Quốc và Hàn Quốc đều lo ngại rằng, lún sụt tại vùng núi này có thể gây ra vụ rò rỉ chất phóng xạ. Sau khi phân tích hình ảnh vệ tinh, ông Lee Won-jin, nhà nghiên cứu tại cơ quan khí tượng thủy văn Hàn Quốc, cho rằng, lở đất đã xảy ra tại gần bãi thử hạt nhân hồi tháng 9.

Nhân dịp tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York hồi tháng 9, Ngoại trưởng Triều Tiên  Ri Yong-ho nói rằng, Triều Tiên có thể lên kế hoạch thử bom nhiệt hạch với quy mô chưa từng có ở Thái Bình Dương. Gần đây, một quan chức cấp cao của Triều Tiên nói với CNN rằng, rất có thể đó không phải là lời đe dọa suông.

MỚI - NÓNG