Hôm nay (4/4), Viện KSND tối cao hoàn tất cáo trạng, ủy quyền cho Viện KSND TPHCM truy tố ra trước TAND TPHCM, để xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam – nay là Sacobank.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín), do ông Trầm Bê là Chủ tịch HĐTD, Phó Chủ tịch HĐQT. Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Bình Phát (Cty Bình Phát) và Công ty TNHH sản xuất, xây dựng và thương mại Thanh Phát (Cty Thanh Phát) đều do Dương Thanh Cường lập ra và điều hành.
Tháng 10/2007, Dương Thanh Cường đã đứng danh nghĩa Cty Thanh Phát để mua gom 10,5 ha đất nông nghiệp của các hộ dân tại địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM với ý định đầu tư dự án.
Ngày 3/4/2008, Ban Quản lý khu Nam TPHCM có Văn bản số 335/BQLKN-KHĐT nêu rõ “không thể chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng dự án của Cty Thanh Phát do Khu đất nằm trong khu quy hoạch thuộc Ban Quản lý khu Nam TPHCM”.
Dương Thanh Cường biết rõ thông tin diện tích đất 10,5 ha nằm trong khu quy hoạch, đã có Quyết định thu hồi của Nhà nước, không thể sang tên sở hữu cho Cty Thanh Phát. Đồng thời, trước đó giấy chứng nhận các thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích 10,5 ha này đã được Dương Thanh Cường thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 (NHNo Chi nhánh 6) để vay số tiền 628 tỷ đồng.
Với mục đích chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Phương Nam để sử dụng cá nhân, nên đầu tháng 4/2008, Dương Thanh Cường mang bản photocopy của 23 GCN QSDĐ này đến gặp Trầm Bê, đề nghị vay tiền và tài sản thế chấp là 10,5 ha đất của 23 GCN QSDĐ.
Ông Trầm Bê thống nhất cho vay nếu hồ sơ đầy đủ, có tài sản thế chấp và giao cho Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam thẩm định hồ sơ.
Ngày 10/4/2008, Dương Thanh Cường đã ký Văn bản số 19/CV/TP/2008 gửi NHNo Chi nhánh 6 với nội dung “xin mượn toàn bộ 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng Khu đất để trình UBND phê duyệt dự án, thời gian mượn là 30 ngày” và được NHNo Chi nhánh 6 bàn giao lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các hợp đồng chuyển nhượng.
Từ ngày 7/4/2008 đến ngày 5/6/2009, Dương Thanh Cường đã sử dụng 23 GCN QSDĐ này làm tài sản thế chấp để vay và chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Phương Nam thông qua 3 hợp đồng tín dụng, số tiền 185 tỷ đồng và sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
Các thành viên HĐTD Ngân hàng Phương Nam và Sở Giao dịch Ngân hàng Phương Nam đã có hành vi trái pháp luật trong việc lập, thẩm định hồ sơ, phê duyệt cho vay, giải ngân, kiểm tra, giám sát vốn vay đối với 3 hợp đồng tín dụng của Dương Thanh Cường dẫn đến gây thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam.
Theo Kết luận giám định tư pháp của Giám định viên NHNN thì tổng dư nợ gốc, lãi tính đến ngày 5/01/2010 của Cty Bình Phát là 81 tỷ đồng và 9.250,53 lượng vàng SJC (nợ gốc 79,8 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng SJC; nợ lãi 1,9 tỷ đồng và 205,53 lượng vàng SJC) quy đổi ra tiền đồng, tổng cộng là 331 tỷ đồng. Căn cứ vào sổ sách theo dõi của Sacombank, thì tổng giá trị khoản phải thu nợ của Cty Bình Phát là 505 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền thiệt hại cho Sacombank hiện nay.
Trước đó, cáo trạng truy tố bị can Trầm Bê, Phan Huy Khang (cựu Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Phương Nam), Ngô Văn Huổi (cựu Phó giám đốc, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch và Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng, Ủy viên HĐTD Ngân hàng Phương Nam), Phan Thị Hồng Vân (cựu cán bộ pháp chế, Ủy viên HĐTD Ngân hàng Phương Nam), Trịnh Bích Nga (cựu Trưởng phòng kinh doanh, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam), Nguyễn Văn Phong (cựu Phó Giám đốc, Ủy viên HĐTD Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam), Phạm Trường Giang (cựu Phó phòng kinh doanh, Sở Giao dịch Ngân hàng Phương Nam), Trần Quang Thắng (cựu cán bộ tín dụng Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam) và Trầm Việt Trung (cựu Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng; kiêm Ủy viên HĐTD Ngân hàng Phương Nam) – cùng tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị can Dương Thanh Cường tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.