Truy tìm thủ phạm phá rừng khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang

Hiện trường vụ phá rừng
Hiện trường vụ phá rừng
TPO - Lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho rằng kiểm lâm có dấu hiệu buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện và lập hồ sơ xử lý các vụ vi phạm tại khu vực này khiến rừng bị tàn phá nghiêm trọng.

Sáng 27/6, Công an huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) xác nhận đang điều tra làm rõ vụ phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu (TK) 112B thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Lâm phần này do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý nên Vườn đã khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an.

Tổng diện tích rừng phòng hộ bị phá hơn 6.400m2 với số cây thông ba lá bị cưa hạ, đầu độc, “ken” gốc (băm nát quanh gốc cho cây chết dần) lên đến 129 cây, trữ lượng lâm sản còn sót lại ở hiện trường hơn 45,8m3.

Như Tiền phong đã đưa tin, có tới 9 vị trí rừng bị phá tại di tích quốc gia Lang Biang; đồng thời là một trong những khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Theo điều tra bước đầu của cơ quan chức năng, tình trạng phá rừng tại TK 112B đã xảy ra nhiều năm nay, các đối tượng phá rừng ngày càng liều lĩnh. Ngoài những gốc thông với dấu cưa đã cũ, có khá nhiều cây thông cổ thụ mới bị cưa hạ, lá còn tươi, nhựa vẫn đang ứa ra.

Có nơi các đối tượng cưa, xẻ ván ngay tại chỗ rồi đưa ra khỏi hiện trường. Nơi khác, cành và thân cây bị cắt thành từng khúc nhỏ để đốt phi tang.        

Truy tìm thủ phạm phá rừng khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang ảnh 1 Lập mà cưa để xẻ ván ngay tại chỗ.

Mặt khác, không ít cây thông cổ thụ thẳng tắp, cao vút bị chặt nham nhở quanh gốc hoặc khoan lổ đổ thuốc độc vào cho chết dần. Nhiều cây lá đã chuyển sang màu nâu đỏ hoặc chết khô.

Người dân địa phương cho rằng mục đích chủ yếu tàn phá thông là để lấy đất sản xuất hoặc sang nhượng với giá từ 200 - 250 triệu/1.000m2. Hình thức giao dịch chỉ là giấy viết tay.

Sau khi tàn phá rừng thông, các đối tượng nhanh chóng trồng cà phê, dứa gai… để khẳng định đất đã có chủ rồi tìm cách sang nhượng thu lợi bất chính.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.