> Chống xe 'xuyên tâm' tại Hà Nội: Ngại vướng lãnh đạo cấp cao?
> Thanh tra tiêu cực tại bến xe Mỹ Đình
Theo đề án, Bộ GTVT sẽ soạn thảo, ban hành các văn bản quy định trách nhiệm cụ thể và có chế tài xử lý đối với chủ xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tổ chức trực tiếp quản lý khu vực từ đầu nguồn hàng đến tải trọng xe.
Thậm chí, trong đó còn đề cập: “Xem xét đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện và của cầu, đường bộ mà gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Nguyễn Văn Thanh-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết: “Những xe quá tải làm hỏng đường có thể coi là tội phá hoại tài sản quốc gia. Ở nhiều nước, vi phạm có thể bị phạt tù. Việc kiểm soát tại nơi xếp hàng là giải pháp đi từ gốc”.
Ông Khuất Việt Hùng-Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) tiết lộ thêm, thông tư mới sẽ bổ sung thêm nội dung về cách thức sắp xếp để tránh hiện tượng hàng bị xô lệch khi vận chuyển, gây mất trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hiền-Vụ phó Vụ Vận tải - Pháp chế (Tổng cục Đường bộ), người đang trực tiếp xây dựng thông tư này, những mong muốn đó là không dễ thực hiện.
“Việc chất hàng hoá lên xe đang thực hiện khắp mọi ngõ ngách; phương tiện chở hàng hoá cũng đủ các chủng loại gồm container lẫn hàng rời. Xây dựng được một quy định chung là không dễ”, bà Hiền nói.
Đề án này cũng chính thức đánh dấu sự trở lại của hệ thống trạm cân trên toàn quốc.
Theo đó, 11 trạm kiểm tra tải trọng xe được trang bị 67 bộ cân lưu động sẽ được xây dựng từ nay đến 2015. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh tiêu cực của hơn 20 trạm cân tồn tại trước năm 2003 vẫn còn nguyên. Từ đây dẫn tới tình trạng: Đường vẫn hỏng, trong khi trạm cân có như không.
Về điều này, ông Thanh nói: “Thú thực, tôi không tin lắm hiệu quả của các trạm cân đặt giữa quốc lộ. Nếu không nhanh chóng cải tiến, hiện đại hoá công tác kiểm tra xử lý bằng máy móc mà vẫn để người vi phạm gặp trực tiếp người kiểm tra xử lý khó có thể hết tiêu cực”.