Chuyến tàu bắc nhịp mùa vui
7 tháng về lại đất liền sau chuyến xung phong công tác một năm tại đảo Trường Sa, khi được hỏi điều gì khiến anh nhớ nhất Thạc sĩ, Đại úy Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1986, công tác tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Quân Y 175) tâm sự rằng, anh nghĩ ngay đến những chuyến tàu, những cuộc ghé thăm đảo của các đoàn công tác - mà nói như anh, nó mang hơi thở và nhịp sống đất liền, chở những niềm vui.
Tốt nghiệp khóa 38 Học viện Quân y, trải qua chương trình đào tạo nội trú chuyên ngành phẫu thuật sọ não, năm 2015, BS Linh được phân công công tác tại BV Quân y 175. Anh bảo, anh và vợ yêu xa, đám cưới xong, lại người Nam - kẻ Bắc. Một năm sau ngày cưới, đại úy Linh lại xung phong ra Trường Sa công tác. Thấy tôi ngạc nhiên, anh cười và nhẹ nhàng giải thích: “Bộ đội mà!”.
Chuyến tàu rời bến vào một ngày tháng 4/2017. Cùng với đại úy Linh ra đảo là nhiều trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, hậu cần chuẩn bị cho trung tâm y tế sắp được khánh thành tại huyện đảo Trường Sa. Hải trình kéo dài 3 ngày, ngoài ngày đầu tiên bị say sóng, mệt đến nỗi không ngồi dậy nổi, BS Linh bảo 2 ngày còn lại, những thắc mắc về cuộc sống, về thời tiết, về một vùng đảo nhỏ sẽ đến cứ thường trực trong anh.
Mất hơn một tháng đầu để làm quen với cuộc sống tại Trường Sa, quen với cái nắng tháng 4 bỏng rát da thịt. Quen với việc mỗi khi gió biển mạnh táp vào khiến vườn thuốc nam các anh chăm sóc lại tả tơi, rồi che chắn, rồi vun trồng lại. Quen với việc điện thoại, thiết bị điện tử chỉ 2-3 tháng lại hư vì hơi muối biển bám vào khe cắm sạc. Quen với việc dù là một BS chuyên khoa phẫu thuật sọ não, thế nhưng trong một năm công tác tại Trường Sa, anh chẳng phẫu thuật ca nào về sọ não. “Một năm ấy, mình phẫu thuật nhiều nhất là các ca viêm ruột thừa, những vết thương bụng, tổn thương chi thể… Bà con ngư dân mình còn vất vả nhiều, tai nạn thường xuyên, điều kiện giữa biển khơi xa ngái... Thương lắm!”, anh Linh trầm ngâm.
Im lặng vài giây, anh lại kể câu chuyện về một ngư dân bị tai nạn trong khi kéo lưới. Vết thương thấu bụng khiến ngư dân bị chảy máu nhiều trong ổ bụng. Mất 3 ngày mới đưa được ngư dân gặp nạn đến trung tâm y tế Trường Sa. “Bệnh nhân mất máu nhiều, cần truyền máu. Khi ấy, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo không ai bảo ai đều xung phong xét nghiệm để hiến máu. Đảo nhỏ, thiếu thốn nhiều thứ nhưng luôn dư dả tình thương”, anh Linh chắc chắn.
Cơn bão số 16 đổ bộ vào đất liền trong một ngày cuối tháng 12/2017, đại úy Linh bảo lần đầu tiên trong đời, anh chứng kiến một cơn bão khủng khiếp như thế. Nghe tin bão đổ bộ, ba mẹ hai bên, rồi vợ anh cứ liên tục gọi điện. Những cuộc gọi liên tiếp bị ngắt quãng do mạng không ổn định, tiếng được tiếng mất. “Lúc ấy chỉ biết gào thật to trong điện thoại là ngoài này mình vẫn ổn, bão cũng bình thường, dù mình thì đang run bần bật do mưa, do gió. Nói thế để mọi người yên tâm, mình là lính, mà lính thì phải đương đầu với khó khăn, vất vả”, anh tâm sự.
Bão tan, đại úy Linh kể vừa bước ra ngoài trời, anh rưng rưng nước mắt. Hơn 80% cây cối trên đảo bị quật ngã, bật gốc, có những gốc đã bền gan cả hai chục năm.
Cái tết đầu tiên ở đảo trôi qua trong ngập tràn nỗi nhớ đất liền, nỗi nhớ quê hương. Không có hoa mai, hoa đào, các chiến sĩ “trưng dụng” những nhánh dương gãy do bão, để khô, rồi gắn hoa giả trang trí.
Hồi tưởng về kỷ niệm tại Trường Sa, BS Linh cho biết những đêm trực, đứng ở bờ kè, anh vẫn hay nhìn xa xăm về phía những chấm sáng tấp nập trên biển của ngư dân. Vào mùa đánh bắt, biển như sống động, lung linh hơn bởi vùng sáng bao quanh những viền san hô, khác với ngày thường, chỉ là một màu đen buồn đến não ruột.
“Ở đảo, niềm vui đôi khi đến từ những điều nhỏ nhặt như được nhìn thấy ngư dân, thấy công nhân xây dựng, những chuyến tàu chở các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo. Tôi nhớ mãi buổi văn nghệ chia tay, đứng ở cầu cảng, những cái vẫy tay, những nụ cười hoà cùng tiếng sóng biển trong âm vang tiếng hát rưng rưng, chúng tôi chẳng ai bảo ai, đều gọi đó là những chuyến tàu chở niềm vui”, BS Linh nói.
Đi để trưởng thành
Gặp thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Quốc Hưng (điều dưỡng khoa Cấp cứu BV Quân Y 175) khi chỉ còn vỏn vẹn hơn một tuần nữa là anh lên đường nhận nhiệm vụ công tác tại Trường Sa. “Sẵn sàng hết rồi, chỉ còn chờ ngày lên đường thôi”, điều dưỡng Hưng cho biết.
Nếu không kể, chắc chẳng ai nghĩ Hưng vừa lấy vợ cách đây tròn một năm, con trai đầu lòng của anh còn hơn 1 tháng nữa là chào đời. “Tôi đăng kí đi đảo từ năm ngoái, đồng nghiệp ai cũng bảo sao không đợi năm sau hẵng đi, để được ở bên vợ lúc sinh em bé. Nhưng thực ra, chính vợ là người ủng hộ tôi đi đảo. Cô ấy bảo: anh cứ việc hoàn thành tốt nghĩa vụ, việc nhà cứ để em lo”, thiếu úy Hưng thuật lại.
Đợt công tác này, thiếu úy Hưng sẽ đi cùng với 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên trang thiết bị. “Ngoài việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ, nhân dân ngoài đảo, chúng tôi vẫn phải trực gác, tăng gia sản xuất…Có thể nói cuộc sống hoàn toàn thay đổi so với hiện tại. Tự dưng tôi nhớ về khoảng thời gian đi nghĩa vụ lúc trước. Chuyến này, đi để tìm về những kỷ niệm, đi để trải nghiệm và đi để trưởng thành hơn”, nam điều dưỡng khẳng định.
“Người ta đi biển có đôi…”- thiếu úy Hưng bỏ dở câu nói giữa chừng, ánh mắt anh bất chợt nhìn xa xăm. Lát sau, anh nghẹn ngào nói nhỏ: “Điều duy nhất tôi lo lắng chính là vợ và con. Sinh con đầu lòng, lại không có chồng bên cạnh, làm sao tránh khỏi tủi thân… Nhưng là lính, trên vai còn nghĩa vụ và trách nhiệm với đất nước, với quê hương. Sau này con lớn, nhất định tôi sẽ kể cho con nghe về Trường Sa - về nơi đầu sóng ngọn gió, về mảnh đất máu thịt, thiêng liêng và đầy tự hào của dân tộc”.
BS Linh cho biết những đêm trực, đứng ở bờ kè, anh vẫn hay nhìn xa xăm về phía những chấm sáng tấp nập trên biển của ngư dân. Vào mùa đánh bắt, biển như sống động, lung linh, ấm áp và gần gũi hơn.