Trường nghề đào tạo chương trình chất lượng cao
> Trường nghề lạc quan, đại học e dè
Theo đề án Đổi mới và phát triển dạy nghề từ nay tới năm 2020, các ngành nghề trọng điểm sẽ thực hiện liên kết đào tạo theo chương trình tiên tiến của các nước phát triển.
SV khoa Điện tử trường TC Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương trong giờ thực hành. Ảnh: Mỹ Quyên (Thanh Niên). |
Học tại Việt Nam, làm việc ở nước ngoài
PGS-TS Dương Đức Lân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH), giải thích: “Tiên tiến nghĩa là phải được khu vực, quốc tế công nhận. Tổng cục Dạy nghề và các trường sẽ làm việc với đối tác theo hướng liên kết đào tạo, mà bằng cấp của họ phải đảm bảo giúp người học mang đi xin việc ở mọi quốc gia đều được”.
Chẳng hạn, chương trình dạy nghề tiên tiến đạt chuẩn quốc tế thì sẽ chọn chuẩn EU. Học viên theo học chương trình này tại Việt Nam có thể sang làm việc ở Anh, Pháp, Đức... Tiên tiến theo chuẩn khu vực thì tới năm 2015, người học có thể tìm việc tại bất cứ quốc gia nào trong khu vực.
Từ năm 2008, trường CĐ City of Sunderland đã ký hợp đồng và chuyển giao chương trình đào tạo các ngành Kỹ thuật điện công nghiệp và Kỹ thuật cơ khí cho trường CĐ Nghề Lilama2 theo hệ thống của Anh quốc. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được nhận bằng do Sunderland cấp có giá trị quốc tế và có thể liên thông với một số trường ĐH tại Anh. Trường CĐ Lilama2 cũng là nơi được Hiệp hội hàn Mỹ công nhận là trung tâm đào tạo và cấp chứng chỉ hàn quốc tế.
Tiến sĩ Lê Văn Hiền - Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: “Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của thực tế, chúng tôi buộc phải hội nhập vào hệ thống đào tạo nghề của các nước trong khu vực và trên thế giới mới có thể cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng”.
Trong khi đó, trường CĐ Nghề kỹ thuật TP.HCM hợp tác với Trung tâm Đào tạo nghề châu Âu đào tạo nghề CNC (Công nghệ tự động cho ra đời một khuôn mẫu cơ khí).
Đầu tư mạnh cho thiết bị thực hành
Hơn 1,8 triệu chỉ tiêu học nghề Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, năm 2011, dự kiến các trường nghề sẽ tuyển 1.860.000 chỉ tiêu (tăng 6,5% so với kế hoạch 2010). Cụ thể, CĐ nghề và TC nghề tuyển 420.000 chỉ tiêu, tăng 17% (dự kiến thí điểm đào tạo cho 500 sinh viên đạt chuẩn khu vực và quốc tế); sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng tuyển 1.440.000 chỉ tiêu (tăng 4%). Theo H.Bình |
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), nhấn mạnh: “Hai trường CĐ Nghề TP.HCM và TC Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương đã được chọn để đào tạo các chương trình dạy nghề tiên tiến với mức đầu tư xứng đáng, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến môi trường học tập, giáo viên theo chuẩn quốc tế…”.
Trường TC Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương được đầu tư 4 tỉ đồng để mua sắm thiết bị, bồi dưỡng giáo viên, xây dựng chương trình tiên tiến cho 2 nghề Cắt gọt kim loại và Lắp cáp mạng thông tin. Trường cũng đã mạnh tay sắm nhiều máy móc có giá hàng chục ngàn USD cho học viên thực hành.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó hiệu trưởng, chia sẻ: “Chúng tôi hằng năm sẽ cử 5 - 10 giáo viên mỗi khoa tới các nước như Singapore, Thái Lan để tham quan học tập, mời chuyên gia của Nhật sang trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu các đề thi trong những cuộc thi tay nghề ASEAN để xây dựng chương trình học…”.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa - Hiệu trưởng trường CĐ Nghề TP.HCM, cũng cho biết: “Mấy năm qua, trường đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng vào các ngành Công nghệ chế biến thực phẩm tinh, Cơ khí chính xác, Tự động hóa và Công nghệ thông tin với nhiều máy móc, thiết bị đắt tiền. Giáo viên cũng được cử đi huấn luyện ở Đức, Pháp, Nhật và Trung Quốc”.
Theo Mỹ Quyên
Thanh Niên