Trường mầm non: Dựng góc vườn, nghe heo réo

Trường mầm non: Dựng góc vườn, nghe heo réo
TP - ĐBSCL còn 215 xã chưa có trường mầm non, nhiều xã có trường mầm non nhưng lại rất tạm bợ đến khó tin.

Vừa học, vừa run

Năm năm nay, một điểm phụ của trường mầm non ở ấp 3, xã Anh hùng Long Trị (Long Mỹ, Hậu Giang) nằm cạnh chuồng heo lão nông Dương Văn Giáo. Đấy là đất ông Giáo hiến, rộng khoảng 75m2, phòng học bằng cây lá cũng của ông Giáo dựng lên. Bên cạnh phòng học là chuồng heo.

Ông Giáo kể: Từ khi có phòng học mầm non, gia đình ông thường xuyên làm vệ sinh chuồng trại, khơi thông rãnh nước, tuy nhiên mùi hôi thối và tiếng heo kêu la khó khắc phục. Thấy phòng học tạm bợ kéo dài nhiều năm mà xem chừng khó có nơi khác ổn định, ông Giáo không nuôi heo nữa, nhưng cỏ rác vẫn bao bọc phòng học mầm non.

Mới đây, phòng học mái lá mục nát được thay bằng tôn, nhưng là loại tôn cũ đã gỉ sét, thủng lỗ chỗ. Còn cột kèo thì vẫn của 5 năm trước, đã bắt đầu ải. Xung quanh phòng vẫn che bằng lá dừa. Ông Giáo nói, ông rất sợ phòng học bị sập, nên mỗi khi có gió mạnh, ông đều ra trông chừng. “Mấy hôm trước một cơn gió to đã đẩy phòng học xiêu rồi”, ông Giáo nói.

Một điểm lẻ khác của trường mầm non xã Long Trị, cũng ở trên đất mượn, của bà Võ Thị Lượm ở ấp 2, căn nhà lá rộng khoảng 15 m2. Phòng học này nằm sát đường và rạch nước sâu phía sau. Con đường xe máy chạy vùn vụt chỉ ngăn cách với phòng học mấy thanh tre nhỏ mỏng manh. Sát vách phía sau là kênh Cái Su rộng khoảng 20 m, cũng chỉ ngăn cách với phòng học bằng hàng rào tre mỏng manh, đan rất thưa.

Ông Võ Văn Vũ Khanh có con học ở đây, cho biết: “Ra chút nữa kênh sâu 3 mét, khi triều cường nước kênh tràn ngập sát đường”. Lớp học mầm non ở đây có 40 cháu và chỉ có một cô giáo nên ông Khanh nói thêm “gửi con vào học là chúng tôi lo ngay ngáy suốt ngày, vừa lo xe cộ phía trước vừa lo nước sâu phía sau”.

Thiếu đủ thứ

Điểm phụ Bình Lợi của trường mầm non xã Anh hùng Long Bình ở nhờ trong góc sân của trường tiểu học Long Bình 2. Đó là một cái hộp tôn theo nghĩa đen, rộng khoảng 20m2, mái tôn cao 3 mét, có 50 cháu học ngày 2 buổi.

Cô giáo Mỹ Tú nói, hôm nào các cháu đi đông đủ thì không thể ngồi hết trong phòng tôn này mà phải ra đứng phía trước hoặc sang học nhờ bên trường tiểu học. “Nhưng trời nắng không khổ bằng trời mưa, nước mưa dội vào mái tôn và vách tôn ầm ầm đinh tai nhức óc, những khi ấy cô trò chỉ ngồi ôm nhau nhìn trời”, cô Mỹ Tú nói.

Nền phòng học ẩm ướt nên gạch bong tróc. Khi cô giáo Mỹ Tú dùng chân đẩy mấy viên gạch bị bong tróc ở góc, tức thì một đám cóc, nhái, dế…nhảy vọt ra. Cô giáo Mỹ Tú cho biết thêm, chật chội và ẩm thấp nên trong lớp thường có 5-7 cháu ho, sổ mũi. Đặc biệt có 4 cháu bị bệnh tay chân miệng đang phải điều trị.

Ở xã Anh hùng Vĩnh Viễn A, tất cả điểm chính và phụ của trường mầm non đều đang ở nhờ tại các trường tiểu học, được dựng lên bằng cây lá tạm bợ. Điển hình là điểm phụ tại trường tiểu học Vĩnh Viễn A2 ở ấp 10. Phòng mầm non rộng khoảng 20 m2, mái và vách lá đã mục nên được giăng thêm mấy tấm ni lông để che mưa phùn, không ngăn được mưa tạt ào ào.

PV Tiền Phong đến đúng lúc trời mưa to chứng kiến góc phòng, cô trò ngồi co ro, sợ sệt. Cô giáo Phạm Thị Kha Lin run rẩy nói: “Gió lùa vào lạnh lắm, chúng tôi hy vọng xong mùa màng, cha mẹ học sinh sẽ đến giúp che chắn lại cho kín mưa gió”.

Tất cả các lớp mầm non ở các xã Anh hùng tại huyện Anh hùng Long Mỹ mà PV Tiền Phong đến đều không có nhà vệ sinh. Xung quanh phòng học là kênh, rạch, cỏ rác và đó là nơi cho trò đi vệ sinh. Ở lớp mẫu giáo tại ấp 2 xã Long Trị, có lúc mấy đứa trẻ cùng nhao ra bờ kênh đi vệ sinh và cô giáo Cẩm Hường thì đang lo giữ các cháu trong lớp. Cháu Võ Thị Cẩm Thùy hồn nhiên kể: “Con toàn nín không hà chờ trưa về nhà mới đi cầu”.

Lúc ở lớp mầm non ấp 2 xã Long Trị, mới khoảng 2 giờ chiều mà các cháu đã nhao nhao ra đứng trước cửa phòng học. Cô giáo Cẩm Hường giải thích, không có điện nên lớp tối, lại chật chội nên nóng nực.

Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Long Mỹ Lê Văn Huy cho biết, mỗi năm chi khoảng 200 triệu đồng để sửa các phòng học tạm bợ, nhưng không đủ, phải vận động thêm cha mẹ học sinh và UBND các xã hỗ trợ.

Xa vời phổ cập mầm non

Bà Đoàn Thị Bảy, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Cà Mau, cho biết: “Đặc điểm dân cư phân tán, sông nước chia cách, thiếu đường bộ. Do đó, trường mầm non phủ kín các xã, phường, thị trấn còn phải phấn đấu lâu dài”.

Ông Trác Văn Đây, Phó giám đốc Sở GD- ĐT Bạc Liêu cho biết: “Tỉnh Bạc Liêu có 64/64 xã đã có trường mầm non với 193 điểm lẻ, nhưng nhiều nơi học nhờ hoặc cải tạo, sửa chữa từ phòng học các cấp khác, nên chưa phù hợp với lứa tuổi mầm non”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG