Trường học hạnh phúc: Giấc mơ và ước nguyện - Kỳ 3: Nên bắt đầu từ người thầy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hạnh phúc vốn phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người nên không có mẫu số chung cho trường học hạnh phúc. Nhưng để trường học được hạnh phúc thì chắc chắn mỗi nhà trường sẽ có cách riêng.

Từng là người lính vào sinh ra tử nơi chiến trận, TS Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, trở thành thầy giáo trường công rồi thành lập trường tư đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Ông xây dựng phương hướng quản lý, phong cách theo hướng các trường công lập vì phụ huynh ngày đó tin tưởng vào chất lượng các trường công lập nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào hiện thực, nhiều vấn đề nảy sinh khiến tư tưởng đào tạo nhân tài của ông phá sản như học sinh quậy phá, không chịu học hành, gây rối; giáo viên bị xúc phạm, không chịu được áp lực rồi xin nghỉ việc; phụ huynh khi thấy con không tiến bộ cũng tìm hiệu trưởng để “kiện”… Nhận thấy nhiều vấn đề trong cách vận hành và quản lý trường học, ông Hòa quyết định thay đổi nhà trường và thay đổi chính mình. Ông rút ra kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, việc nhà trường đưa ra càng nhiều quy định, học sinh càng tìm cách phá vỡ vì các em đang trong tuổi dậy thì, độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm.

Trường học hạnh phúc: Giấc mơ và ước nguyện - Kỳ 3: Nên bắt đầu từ người thầy ảnh 1

Hạnh phúc phải đến từ thầy cô và học trò. Ảnh: Thế Đại

Ông thuyết phục giáo viên và thuyết phục chính mình phải yêu thương học trò, không áp dụng những kỷ luật hà khắc khi các em làm sai hoặc bị điểm kém. Ngoài ra, ông yêu cầu thầy cô không đặt nặng thành tích, chạy theo điểm số và luôn phải tạo ra bầu không khí vui vẻ trong lớp học. Với quan điểm trường học hạnh phúc không phải là một khái niệm, cũng không phải là một mô hình, ông muốn hàm ý đến cách thức vận hành một trường học để thực hiện được mục tiêu giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh.

“Khi mới thành lập trường, tôi luôn nghĩ, trường học chân chính là nơi đào tạo ra học trò giỏi. Thành công của giáo dục là đào tạo nên những học sinh xuất chúng, những nhân tài và tôi đã phải đối mặt với áp lực này. Tôi nhận ra, đó là suy nghĩ sai lầm”.

TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội)

“Trường học hạnh phúc không phải là một mô hình, bởi nếu là mô hình thì không có độ mở, xây dựng theo mô hình sẽ khó khăn đối với những trường học ở mọi vùng miền khác nhau. Trường học hạnh phúc có được khi ta thay đổi cách vận hành nhà trường với mục tiêu giáo dục vì sự phát triển con người, vì con người. Trường học hạnh phúc là bầu không khí nóng ấm trong mối quan hệ giữa con người và con người”, ông Hòa nói.

Khởi đầu của xã hội hạnh phúc cần bắt đầu từ người thầy

Tháng 10, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phối hợp Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (Vietnam Innovation of General Education Foundation - VIGEF) tổ chức buổi lễ khai giảng khóa học “Trường học hạnh phúc”, với chủ đề “Hiệu trưởng - Người gieo mầm hạnh phúc”. Đây là chương trình trong khuôn khổ dự án Happy Schools được UNESCO đề xuất và khuyến cáo để đánh giá sự thành công của một trường học. Theo đó, thay vì đánh giá thành tích mà học sinh đạt được, “Trường học hạnh phúc” tôn vinh chỉ số hạnh phúc mà người học đang có.

Theo TS Bùi Kiên Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, hiệu trưởng là người có ảnh hưởng lớn nhất tới chất lượng giáo dục và sự phát triển của học sinh, nhưng không phải ai cũng nhận thức được rằng, hiệu trưởng cũng là người gieo mầm hạnh phúc cho cả cộng đồng. Một trường học hạnh phúc là nơi mọi học sinh được yêu thương, tôn trọng, khuyến khích và thách thức; là nơi mà giáo viên được tạo điều kiện để sáng tạo, nâng cao năng lực và gắn kết; là nơi mà phụ huynh được hợp tác, tin tưởng và hỗ trợ. Một trường học hạnh phúc sẽ tạo ra những con người hạnh phúc, có đạo đức, có tài năng và có trách nhiệm với xã hội.

GS.TS Hà Vĩnh Thọ, tác giả giáo trình cho dự án Happy Schools ở Việt Nam, cho biết sau 4 năm triển khai dự án ở quận Ba Đình, Hà Nội, cùng với việc phát triển chương trình tập huấn trực tuyến để dễ dàng mở rộng quy mô dự án, ngày càng nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, nhất là ở nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Giáo viên tham gia tập huấn được trang bị kiến thức, kỹ năng giúp họ chú ý, chăm sóc hạnh phúc và sức khỏe của tất cả học sinh. "Câu nói "thầy cô hạnh phúc có thể thay đổi cả thế giới" đã luôn tạo ấn tượng mãnh liệt trong tôi. Và tôi nghĩ rằng khởi đầu của một xã hội hạnh phúc rất nên và rất cần bắt đầu từ người thầy", GS Thọ chia sẻ.

Không chỉ làm việc với giáo viên, dự án còn tiếp xúc và hiểu nỗi lòng của nhiều cha mẹ học sinh. Hầu hết các gia đình có con em tham gia Trường học Hạnh phúc đều là những hộ lao động có đời sống giản dị, việc mưu sinh khiến cha mẹ ít quan tâm đến con cái, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Trường học hạnh phúc, theo GS Thọ, gồm ba khía cạnh cơ bản: Sống hòa hợp với bản thân, với người khác, với thiên nhiên trong tất cả các môn học và hoạt động. “Dù ở môi trường nào, đích đến cuối cùng của chúng tôi vẫn là hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của đứa trẻ. Hạnh phúc là kỹ năng, mà đã là kỹ năng mọi người có thể được đào tạo để có hạnh phúc”, ông nói.

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD&ĐT, khẳng định trường học hạnh phúc là con đường hướng tới giáo viên, học sinh... để làm sao cuối con đường ấy là những giá trị tốt đẹp. “Theo tôi hiểu, những giá trị tốt đẹp ấy là năng lực, là phẩm chất, là tình nhân ái, yêu thương, là sự tôn trọng, là khả năng sáng tạo... Suy cho cùng, hành trình ước mơ lớn nhất của mỗi con người là cảm nhận và tận hưởng những giá trị hạnh phúc trong công việc và cuộc sống. Điều ấy càng đặc biệt quan trọng với nghề trồng người bởi ta không thể cho đi những điều mà ta không có. Như thế, quan điểm thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc, nhà trường hạnh phúc, xã hội hạnh phúc một lần nữa được làm sáng tỏ hơn”, ông Minh nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nói rằng, xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình lâu dài và Bộ không đưa văn bản để hành chính hóa nó vì đây là vấn đề tự thân của mỗi cơ sở giáo dục để xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đơn vị mình.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.