Đó là nội dung được phòng GD&ĐT Hoàng Mai gửi đến trong buổi làm việc với báo chí về vấn đề quá tải tại trường Tiểu học Chu Văn An vào chiều qua, 14/9
2 tháng tăng gần 200 học sinh đúng độ tuổi vào lớp 1
Theo báo cáo của phòng giáo dục quận Hoàng Mai, tháng 4/2018, căn cứ vào kết quả điều tra phổ cập giáo dục trên địa bàn phường Hoàng Liệt, UBND quận Hoàng Mai đã giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 cho trường Tiểu học Chu Văn An là 964 học sinh. Nhưng ngay sau đó, từ tháng 5/2018 đến tháng 7/2018, có gần 200 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 được phường xác nhận mới về tạm trú trên địa bàn thuộc tuyển sinh của trường tiểu học Chu Văn An.
Vì vậy, năm học 2018 – 2019, trường tiểu học Chu văn An tuyển sinh lớp 1 với 1145 học sinh được chia thành 23 lớp, trung bình 49 học sinh/lớp.
Được biết, năm học này, số lượng học sinh lớp Một ở Hà Nội khoảng 130.000 em, tăng 30.000 học sinh so với năm ngoái. Số lượng học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 11.000 em. Số học sinh vào lớp 10 tăng trên 20.000 em.
3 phương án: không phương án nào vẹn cả đôi đường
Trước kỳ tuyển sinh năm học này, phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã nghiên cứu rất kỹ về mô hình học cho trường tiểu học Chu Văn An và đưa ra ba phương án:
Thứ nhất, nhà trường chỉ thực hiện tuyển sinh học sinh vào lớp 1 có hộ khẩu thường trú hoặc có hộ khẩu tạm trú ở phường trước tháng 4/2018. Nhưng như vậy, thì nhiều học sinh sẽ không được đảm bảo quyền lợi có chỗ học, nên giải pháp này không thể thực hiện.
Thứ hai, nhà trường sẽ tổ chức mô hình học 1 buổi/ngày. Phương án này đảm bảo quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, nhà trường nhận được nhiều ý kiến của cha mẹ học sinh: phương án này các cháu phải nghỉ học 1 buổi, trong khi đó bố mẹ đi làm cả ngày nên rất khó cho cha mẹ học sinh trong việc quản lý con. Do đó phương án này cũng không khả thi.
Thứ ba, nếu nhà trường bố trí sĩ số 70 học sinh/lớp; 68 học sinh/lớp mỗi khối 2,3,4, 5 thì số lớp học vừa đủ với số phòng học của trường, đảm bảo tổ chức học 2 buổi/ngày cho học sinh toàn trường. Tuy nhiên, phương án này vướng vào quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội về sĩ số học sinh/lớp học, đặc biệt đối với lớp 1, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định không quá 50 học sinh/lớp. Do đó, phương án này cũng không thực hiện được.
“ Với phương châm: Dù khó khăn đến đâu, ngành giáo dục cũng phải cố gắng khắc phục để đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn đều phải có chỗ học nên phương án tối ưu nhất tại thời điểm này đối với trường Tiểu học Chu Văn An là tổ chức học 4 ngày/tuần (tương đương 8 buổi/tuần), có học luân phiên ngày thứ 7. Mô hình này cũng được Sở GD&ĐT Hà Nội chấp nhận cho áp dụng đối với các khu vực nội thành, khu chung cư, đô thị ở Hà Nội có số lượng người dân đến sinh sống rất đông, số lượng trường học không đáp ứng kịp dẫn đến sĩ số ở các trường tiểu học rất cao" - Thông báo của phòng GD&ĐT Hoàng Mai nêu.
Tuy nhiên, phương án này lại gặp phải sự không ủng hộ của phụ huynh vì ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt.
Không học buổi 2?
Theo phòng giáo dục quận Hoàng Mai, vì không thể khắc phục được ngay tình trạng học tập, nghỉ học luận phiên nên trường Tiểu học Chu Văn An đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu tổ chức mô hình học cho học sinh toàn trường 1 buổi/ngày để đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ học sinh đã phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chung về việc học sinh của trường phải học gối, học luân phiên, với lịch học lạ.
Với mô hình học 1 buổi/ ngày thì học sinh khối 1, 2 sẽ học các buổi sáng, học sinh khối 3, 4,5 học buổi chiều (từ thứ 2 đến thứ 6), bắt đầu từ 17/9/2018. Thời khóa biểu sẽ hoàn toàn không còn các tiết học tăng cường, tự chọn, hoạt động tập thể, học liên kết, hoạt động trông giữ học sinh ngoài giờ chính khóa.
Năm 2000, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn học 2 buổi/ngày đối với tiểu học. Theo đó việc dạy học 2 buổi/ngày chỉ tổ chức ở những nơi có nhu cầu và có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh, được sự đồng ý của các cấp quản lí có thẩm quyền.
Như vậy, việc thực hiện học 2 buổi/ngày tùy vào điều kiện của từng địa phương, không bắt buộc. Do đó, trường Tiểu học Chu Văn An, Hoàng Mai học 1 buổi/ngày không vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.