Chuẩn nội bộ
Theo quy định tại Đề án ngoại ngữ quốc gia (Đề án 2020), Nội dung chương trình đào tạo ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đại học có thể áp dụng cho hai nhóm đối tượng chính: một nhóm dành cho các đối tượng người học đã học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm ở phổ thông và một nhóm dành cho các đối tượng người học đã học theo chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học không chuyên ngữ, chương trình đào tạo mới phải có mức kiến thức đạt trình độ tối thiểu là bậc 3 theo KNLNN sau khoá tốt nghiệp (B1, tương đương trình độ sơ cấp).
Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngữ, chương trình đào tạo mới phải có mức kiến thức đạt trình độ bậc 4 sau khoá tốt nghiệp cao đẳng và bậc 5 sau khoá tốt nghiệp đại học và bắt buộc người học phải đồng thời được đào tạo hai ngoại ngữ trong một khoá đào tạo, một ngoại ngữ chính (ngoại ngữ 1) và một ngoại ngữ phụ (ngoại ngữ 2), trong đó thời lượng đào tạo ngoại ngữ phụ không quá 1/2 thời lượng dành cho việc đào tạo ngoại ngữ chính.
Xây dựng và triển khai chương trình dạy bằng ngoại ngữ một số môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành và tự chọn ở một số ngành trọng điểm trong chương trình đại học ở năm cuối bậc đại học.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, hiện nay Bộ GD&ĐT không quy định chặt chẽ số tín chỉ tiếng Anh trong chương trình đào tạo chính khóa. Các trường sẽ tùy theo chuẩn đầu vào và đầu ra tiếng Anh của sinh viên để bố trí số lượng tín chỉ phù hợp, thông thường sẽ dao động ở mức trên dưới 10 tín chỉ.
Mỗi trường quy định một chuẩn. Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên khối đại trà không chuyên ngữ là TOEIC 450. Nhưng trường ĐH Giao thông Vận tải, trường ĐH Thủy lợi thì chuẩn là B1.
Mặt khác, các chuẩn này không phải theo chuẩn quốc tế mà do các trường tổ chức thi để công nhận cho sinh viên.
Nhưng vẫn không đạt
Nhiều trường ĐH cho biết, có trên 80% sinh viên không thể đạt chuẩn ngoại ngữ này nên khó khăn trong việc xét tốt nghiệp.
Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải nêu thực trạng sinh viên của trường những năm trước xuất phát điểm đến từ các tỉnh lẻ chiếm tỷ lệ lớn. Mấy năm nay tỷ trọng sinh viên đến từ Hà Nội được nâng lên nên trình độ ngoại ngữ của sinh viên khá hơn. Nếu tuyển sinh trường lấy thêm tổ hợp Toán, Văn, Ngoại ngữ thì sẽ cải thiện được nhiều hơn chất lượng đầu vào về vấn đề ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Thanh Chương cũng cho biết, khi vào trường, sinh viên sẽ trải qua một bài kiểm tra để chia lớp. Kết quả cho thấy có đến
60 – 70% sinh viên vào trường là phải học chương trình tiếng Anh bắt đầu từ trình độ A1, A2.
Sau 4 – 5 năm học, kết quả cho thấy Khoa kinh tế có tỷ lệ sinh viên đạt chuẩn tiếng anh ra trường đúng thời gian là 80%, khoa cơ khí thấp nhất, chỉ khoảng 40%. Chính vì vậy nên trường tạo điều kiện cho sinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ bằng cách tổ chức thi, tổ chức học bổ sung. “Đúng là để đạt chuẩn, trường với sinh viên đều “đánh vật” – ông Chương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Lâm, trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho hay, yêu cầu của trường khi sinh viên tốt nghiệp đối với chương trình đại trà là TOEIC 450, đối với chương trình tăng cường là TOEIC 550. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên đạt chuẩn theo đúng tiến độ vẫn rất thấp, chỉ đạt khoảng 50%.
Còn tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết chuẩn đầu ra ngoại ngữ của sinh viên chương trình đại trà là TOEIC 450.
Chuẩn này chưa cao nhưng cũng rất khó đạt được đối với nhiều sinh viên. Tuy doanh nghiệp vẫn phàn nàn về trình độ ngoại ngữ nhưng mâu thuẫn ở chỗ sinh viên khó đạt chuẩn ngoại ngữ để ra trường.
Theo PGS. Trần Văn Tớp, trước 2015, sinh viên muốn nhận đồ án tốt nghiệp có thể nợ ngoại ngữ nếu chưa đạt, sau đó sẽ quay lại học. Nhưng thực tế, sinh viên làm xong đồ án rồi vẫn không thể nhận được bằng. “Có sinh viên học cả năm, hai năm vẫn không đạt được chuẩn ngoại ngữ, hoặc không quay trở lại để hoàn thành chuẩn ngoại ngữ” – PGS. Trần Văn Tớp thông tin.
Chính vì vậy, từ 2015, trường ĐH Bách khoa Hà Nội có quy định, chỉ sinh viên đã đạt chuẩn ngoại ngữ mới được nhận đồ án tốt nghiệp. Nhưng khi chuyển sang quy định này, lập tức bị ùn tắc luôn. Ngay trong năm 2015, trường khoảng 800/4500 sinh viên không đủ điều kiện nhận đồ án tốt nghiệp vì thiếu chuẩn ngoại ngữ. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm đó đúng hạn cũng chỉ đạt 55-56%. Trong đó, một phần tại ngoại ngữ.