Trương Đăng Dung - em, anh & tị nạn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi mang cuốn thơ “Em là nơi anh tị nạn” của Trương Đăng Dung (NXB Văn học, 2020) vào phòng hồi sức cấp cứu bệnh viện tranh thủ đọc lúc chăm sóc người nhà. Người đã hôn mê nhiều ngày, không biết sẽ đi đêm nay hay sáng mai. Đi đâu? Mỗi chúng ta đều sẽ đến lúc ấy. Sẽ đi đâu?

Tị nạn chăng, ở cõi mơ hồ nào đó hằng tưởng tượng ra?

“Thế giới này không còn chỗ bình yên, em là nơi anh tị nạn” (Tin nhắn cho em). Nghe giống như một cái sms “tán gái” lúc hưng phấn, hay lời cảm thán lúc cô đơn?! “Em”, “anh”, “tị nạn”. Ba cái từ khóa giản đơn mà hóc hiểm. Còn từ khóa thứ tư là “thế giới”, một thứ thật lớn lao mà vi tế, nhưng với tôi nó không quan trọng, đúng hơn là không còn quan trọng. Nó chỉ dành cho các triết gia, chính trị gia. Mà thời đại này chính họ cũng như mỗi chúng ta, cũng đang lúng túng, đang rất rối. Những vĩ nhân, đại gia, triết gia ấy bản thân họ rất nhiều khi cũng cần “tị nạn” vào một thứ/ai/nơi chốn nào đó.

Trong quan sát của tôi, ngay bài thơ mở đầu này, nơi tị nạn đầu tiên là ký ức. “Kỷ niệm cứu rỗi chúng ta, nó lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người”; “Điều gì xảy ra nếu ký ức không cất giữ cuộc đời ta an toàn nhất?

Trương Đăng Dung - em, anh & tị nạn ảnh 1

Tập thơ của Trương Đăng Dung

“Anh muốn em là quá khứ để anh sống bình yên trong hiện tại; anh muốn em là hiện tại để anh hi vọng vào tương lai; anh muốn em là tương lai để ký ức anh tự do bừng sáng” (Tin nhắn cho em). Vậy là anh và em không phải hai thực thể sinh học bình thường. Và luôn ở những bước thời gian khác nhau. Để làm gì? Bài “Hai chuyến tàu” minh họa rất rõ điều này. Lệch pha về thời gian, lịch trình. “Hai chuyến tàu cùng số hiệu” nhưng “không cùng giờ xuất phát”. Và siêu thực, tàu anh không ga đi không ga đến, không cửa sổ, không hành khách,... Tàu em cũng vậy. Những toa tàu thân xác.

Điểm đến thực ra là có. Đó là “ký ức của mùa thu”. Là “nỗi cô đơn của bóng đêm”. Người cũng có, nhưng có vẻ không liên quan gì đến những con tàu, ở câu kết “thấp thoáng bóng người/ trong cỏ”.

Thật ra, với lối thơ thiên hướng siêu thực, việc tạo ra mở ra một không khí và thi ảnh siêu thực không khó, thậm chí đơn giản. Nhưng việc tác giả giải quyết nó thế nào mới quan trọng, cần bản lĩnh. Và thực sự cần trải nghiệm hiện sinh, tư tưởng sâu sắc mang tính ám ảnh tự thân. Không vay mượn, và phải thực sự quán xuyến, xao xuyến trong nhất quán. Nếu không chỉ là sự làm dáng, đánh đố.

Trương Đăng Dung đã giải quyết nó như thế nào?

Bóng nhân sinh thấp thoáng ở câu kết (bài Hai chuyến tàu), đó là những người gác ghi/bẻ ghi thời gian chăng? Là những người không gương mặt, không ký ức, không nơi chốn tị nạn? Cỏ có phải nơi tị nạn cho mỗi kiếp người? Nơi đến (ai rồi cũng nằm trong cỏ) có phải là nơi chốn tị nạn đích thực không? Nhưng rồi đến cả ngọn lửa, ra đời trước Đức Chúa Trời cả triệu năm, dắt loài người bước ra khỏi màn đêm nguyên thủy hoang vu, giờ đây “Có phải đã đến lúc lửa cũng cần nơi ẩn náu?” (Độc thoại). Và nữa, “ký ức cũng tàn phai. Ký ức đổi thay khác màu cỏ tự nhiên trên các nấm mồ” (Tinh thần Kafka).

Đến đây, phải mở lại mấy từ khóa trên một lần nữa, mới có thể biết được trong căn phòng thơ Trương Đăng Dung còn đang cất những gì.

Em và anh của thơ Trương Đăng Dung là không thông thường, như đã nói ở trên. Nhưng sự chia rẽ hai thực thể “em” và “anh” không chỉ là phản ánh sự cô đơn, phân rã giữa người với người. Mà tôi cho rằng đó chỉ là Một. Một tâm thế giữa thời đại bất an, trong một thân xác bất toàn. Tác giả đã tự cắt xẻ/chia mình ra để so ngắm, để đi tìm, để an trú lẫn nhau, tị nạn cho nhau. Bị ác mộng truy đuổi “Tôi không nhìn thấy họ/họ không nhìn thấy tôi” nhưng thật ra chỉ là một. Cuối cùng cánh cửa cũng mở ra trong phút giây tuyệt vọng “Tôi gọi em/ dưới đáy sông/ một ngôi nhà mở cửa” (Ác mộng). Một nơi an trú thật kỳ lạ, nhưng hợp lý. Để hiểu hơn sự gián cách này qua lời nói với mẹ “con làm kẻ thứ ba/ giữa tâm hồn bất an/ và thể xác bất toàn” (Trên bàn mổ).

Điều này phù hợp với phong cách thơ của Trương Đăng Dung. Và cái cách mà thơ hiện đại Trương Đăng Dung “bóp méo cấu trúc của hiện thực để giữ lại cấu trúc của cái tôi” khiến cho “cái tôi trữ tình bất an trong từng giây phút/khoảnh khắc sống” đã khác với những Kafka, Rimbaud mà ông đã dịch, nghiên cứu sâu và chiêm nghiệm gần suốt cuộc đời chữ nghĩa của mình. “Cấu trúc của cái tôi” ấy hiện rõ khi tác giả tạo ra những dụ ngôn hiện đại từ các bí tích, các bậc thánh, các tác gia với sứ điệp bất hủ của họ (Độc thoại, Sách của Giôna, Sách của Gióp, Tinh thần Kafka, Đọc lại Dostoievsky, Tự do của Kazantzakis, Tô Thùy Yên...).

Tuy nhiên vẫn có một “em” rất thật và hiện hữu, là người vợ thương yêu, tảo tần: “khi anh mải khắc khoải phận người/ nghi vấn bóng đêm/ em lặng lẽ lo từng bát gạo” (Một lần nữa). Và một số dạng thức khác của “em” - với tư cách bản thể đối diện. Đó là mẹ “con chỉ mong được về nhà với mẹ/ cho tâm hồn và thể xác về theo” (Trên bàn mổ). Là bố “có gì mới hơn sau mỗi kiếp người?/ con hỏi bố/ thấy một người già lặng lẽ đứng nhìn con” (Giấc mơ của con).

Tất cả chỉ xuất hiện một lần duy nhất, nói lên điều gì trong chỉnh thể tập thơ này? Như một cân bằng sự hoang vắng mất mát đời sống, trong cố gắng đào thoát bản thể mình ra khỏi nỗi hư vô?

(* Thơ trích trong bài là của nhà thơ Trương Đăng Dung)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.