Nhạc sĩ Đỗ Bảo: 'Tôi không được như bây giờ, nếu không có mẹ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đỗ Bảo lần đầu tiên “công khai” người dẫn anh vào con đường âm nhạc. Để nói về nhân vật này, nhạc sĩ dành hẳn một bài viết trong cuốn tuyển tập ca khúc 1997-2020 dự định ra mắt năm nay.

Đỗ Bảo đã sáng tác bài nào về mẹ?

Tôi viết được 2 bài về… con rồi. Đều là những bài hay, tôi rất thích nhưng chưa công bố. Bài mình hát về bố mẹ mình thì không biết làm sao bao nhiêu năm vẫn không thể viết được ra. Cảm thấy không đủ cảm xúc, không đủ ngôn ngữ để mà nói được một cách hay nhất những gì mình cảm thấy trước một tình cảm quá đặc biệt. Chưa chinh phục được thì cứ để đấy đã.

Cơ bản các bài viết về gia đình, bố mẹ của Việt Nam mình cũng không nhiều. Bài hay rất thiếu vì nó khó. Mặc dù cha mẹ là những người rất thân thương gần gũi, nhưng vì vai trò của họ trong cuộc đời mỗi người nó lớn quá, hoặc nó ý nghĩa đặc biệt quá. Các tác giả cơ bản bao giờ cũng gặp giới hạn cung bậc âm nhạc hoặc ngôn ngữ dẫn đến việc những bài hay cũng có, nhưng rất ít những bài có thể coi là “tuyên ngôn”, thay lời nhiều người dành cho bố mẹ mình.

Dường như người ta không nói được hết trong khuôn khỏ một ca khúc. Mỗi bài hát chỉ nói được một góc của tình cảm đấy thôi.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: 'Tôi không được như bây giờ, nếu không có mẹ' ảnh 1

Nhạc sĩ Đỗ Bảo cảm thấy chưa đủ cung bậc và ngôn ngữ để viết về mẹ- Ảnh: NVCC

Nếu “phải” viết, anh thích viết ra đúng câu chuyện gia đình mình hay kiểu chung chung để ai cũng thấy mình trong đấy?

Những bài hát viết về người trong gia đình sẽ hay nếu mang tính riêng tư nhiều hơn. Câu chuyện riêng tư khi nó thật chân thành thì sẽ lan tỏa được. Khi lan tỏa rồi thì mặc nhiên chuyện riêng tư đấy thành chuyện chung thôi. Còn nếu viết một bài cho chung thì cũng không biết thế nào là chung. Chung theo kiểu quá phổ thông để ai cũng nghe ào ào nữa thì khó mà hay, không độc đáo, không có dữ kiện gì đáng chú ý, vì chung quá. Người nào viết được cái chung mà hay chắc phải tài lắm.

Bài hát về mẹ hay gây cảm giác sến, mang lại những nỗi xúc động giống nhau…

Nếu viết chung chung chung càng dễ bị sến. Hoặc sự thương cảm của việc mẹ già yếu đi bị khai thác quá nhiều gây cảm giác cũ mòn. Gần đây tôi được biết bài Mama tried của Mỹ, nét nhạc country kể câu chuyện riêng tư của đứa con. Mẹ nuôi lớn từ tấm bé, chấp nhận những cái hư hỏng của anh ta và luôn tin tưởng anh ta sẽ nên người. Đến năm 21 tuổi anh ta bị đi tù, cả thế giới ái ngại khi nhìn vào anh ta, chỉ có mẹ vẫn tiếp tục tin tưởng… Thì lời ca như thế rất hay. Nó không bị sáo mòn.

Bảo nghĩ sao nếu Ngày của Mẹ được du nhập vào Việt Nam?

Trong các “ngày”, Ngày của Mẹ có lẽ đáng du nhập. Thay vì những ngày mình thấy nó có vẻ hơi vô duyên, không phù hợp với truyền thống Á Đông thì lại du nhập trước.

Mình cũng vẫn tôn trọng thực tại, giữ vai trò của người quan sát thôi. Xã hội tiếp nhận gì, mất gì chắc có lý do của nó. Và nó cũng phục vụ cho một số người nào đấy, cũng phải thấy vui thì họ mới du nhập chứ.

Anh thường thể hiện tình cảm với mẹ vào dịp nào trong năm?

Chủ yếu vẫn dựa trên ngày 8/3. Từ hồi học lớp 3 đã biết tặng hoa cho mẹ và cả cô giáo. Hồi đấy chả ai bảo, mấy thằng rủ nhau ra vườn hoa ngắt mấy cúc, đồng tiền gói vào tờ giấy báo mang đến tặng cô. Hồi đấy không thấy có biển cấm hái hoa hoặc việc ngăn cấm không chạm đến nhận thức của bọn trẻ con.

Bây giờ ngày 8/3 vẫn giữ nếp sẽ có quà cho mẹ và phụ nữ trong nhà. Cũng là theo thói quen chung của mọi người thôi. Chẳng hạn vì lý do nào đấy ngày của mẹ trở nên phổ biến hơn trong 5-10 năm nữa thì lại có thêm một dịp nhắc nhở mình quan tâm hơn đến mẹ.

Nhưng tôi vẫn cho rằng Việt Nam hơi nhiều “ngày” quá. Có nhiều ngày mà dường như với cuộc sống hôm nay nó trở thành gánh nặng cho người ta. Đến ngày đấy lại phải làm việc đấy. Đôi khi chỉ có nhắn cho nhau để chúc mừng hay thăm hỏi cũng đã thấy bận thêm rồi.

Anh có dịp nào biểu lộ tình cảm “hơn mức bình thường” với mẹ?

Con trai với mẹ khó thổ lộ hơn. Nhà tôi lại toàn anh em trai. Tình cảm chia sẻ với mẹ mạnh dạn nhất cũng chỉ thể hiện ra trong vài giây phút thoáng qua điểm xuyết trong những buổi sum họp, chứ nó không thành màn thổ lộ riêng rẽ được. Đặc tính của con trai như thế. Tranh thủ nói một câu gì rồi lại sang chuyện khác. Anh em nhà tôi hay thế

Thứ hai đấy là những câu nói để xác nhận một cảm xúc, tình cảm có thật thôi. Còn tình cảm hầu như nó được biến chuyển thành hành động, hoặc thành thực tế sống của chính đứa con. Đó vẫn là những cách phổ thông nhất mà những đứa con trai hay thể hiện. Ví dụ anh ta có một cuộc sống ổn định, có những bước tiến để mẹ cảm thấy tự hào, an tâm và kịp thời chia sẻ những điều đấy với bố mẹ mình. Thì đó cũng là niềm vui của người bố người mẹ rồi.

Có lẽ tôi thiên về việc hành động nhiều hơn. Chứ còn nói một cái gì đấy thành bài thành bản thì cũng giống như việc viết bài hát. Một là nó không đủ, không bao quát, toàn diện. Nên rút cuộc mình vẫn chỉ nói những cái thoảng qua, như những mảnh nhỏ lấp lánh trong câu chuyện thôi. Đó dường như đã là tất cả những gì mình nỗ lực chia sẻ rồi.

Mẹ có vai trò thế nào trong sự nghiệp và đường đời của anh?

Trong cuốn sách nhạc sắp ra, có bài tôi viết về mẹ của mình. Nếu có ai hỏi “mối duyên nào đưa anh đến với âm nhạc” thì câu trả lời sẽ là “mẹ tôi chứ ai” (cười). Tức mẹ là người dắt tay mình đến nhà thầy Xuân Trung dạy organ ở Hàng Chiếu. Từ đấy tôi gắn bó với âm nhạc đến hôm nay. Trong hành trình đấy, ngoài vai trò là người mẹ, bà luôn là một khán giả nồng nhiệt cổ vũ mình, quan tâm theo dõi bước đường của mình. Bà luôn có mặt trong những thời khắc khó khăn hay quyết định. Tôi rất biết ơn mẹ tôi.

Nếu không có bà hoặc bà không quan tâm như thế thì mình không thể có cuộc sống như bây giờ. Kể cả tình cảm quý mến anh em bạn bè, các mối quan hệ ít nhiều phải cộng hưởng từ một tình cảm rất thật. Đó là tình mẹ như ngọn lửa sưởi ấm hun đúc, giữ nhịp cho mình.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: 'Tôi không được như bây giờ, nếu không có mẹ' ảnh 2

Cuốn sách nhạc dày 400 trang gồm các ca khúc và bài viết của Đỗ Bảo sẽ ra mắt bạn đọc trong năm nay- Ảnh: N.M.Hà

Khi đó Bảo cũng phải thể hiện mong muốn theo âm nhạc hoặc năng khiếu gì thì mẹ mới dắt đến thầy chứ?

Chắc cũng căn cứ vào những gì một đứa bé tầm 13 tuổi như tôi thể hiện ra thì mẹ tôi và anh ruột nhìn thấy, dẫn đến quyết định như vậy. Mình còn bé, nghe người lớn thôi, chứ tôi không nhận ra mình có ý thích gì lúc đấy. Nhưng chỉ sau buổi học đầu tiên thì cuộc sống mình thực sự sang trang khác. Rất may là mình thích luôn. Và đó không chỉ là cảm tính của một đứa trẻ con đâu. Giống như một con người tìm thấy một ngả đường vừa vặn với họ. Ở đấy họ được sống, được thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Trước đấy tôi chưa ý thức về bản thân, còn đang mải chơi, ăn diện, đua đòi bạn bè đủ thứ.

Trước đấy nhà mình có chú ruột mình chuyên chơi nhạc cho các hoạt động văn nghệ quần chúng. Chú không học nhạc bài bản mà từng là kỹ sư xây dựng. Các bác và bố đều học nhạc một chút nhưng không có điều kiện theo, về sau làm kinh doanh hết. Bố mình cũng có tâm hồn âm nhạc, đến giờ vẫn thích nghe nhạc. Nhà tôi được cái bên nội ai cũng có chút âm nhạc trong người. Nó cũng là cơ sở dẫn đến quyết định của phụ huynh.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.