Trường đại học chống đạo văn
> Thu hồi bằng Tiến sĩ của Phó Viện trưởng vì 'đạo văn'
> Công nghệ ‘luộc’ đề tài nghiên cứu khoa học
Trước nạn đạo văn, một số trường đại học đã chủ động đưa ra biện pháp phòng chống đạo văn trong học đường.
Minh họa: DAD. |
Nhận điểm 0
Quan trọng nhất là cần dạy cho người học biết rõ về đạo văn để tránh phạm lỗi, cũng như ý thức trung thực trong hoạt động sáng tạo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Phó viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM |
Trường ĐH có động thái mới nhất trong việc này là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khi ban hành quy định hình thức xử lý đạo văn vào ngày 31/10 vừa qua. Quy định này chính thức ban hành áp dụng cho toàn bộ giảng viên và sinh viên của trường từ đầu tháng 12/2013 và sẽ tập trung vào đối tượng giảng viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh từ năm 2014.
Theo đó, lỗi vi phạm đạo văn được Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xác định khá nghiêm ngặt, như: sao chép không dẫn nguồn, dù dẫn nguồn nhưng sao chép quá nhiều, hoặc khi dẫn nguồn mà cung cấp thông tin không chính xác về tác giả và nguồn thông tin…
Các lỗi này được trường phát hiện thông qua phần mềm chuyên dụng kiểm tra đạo văn kết hợp với giảng viên. Trong trường hợp lỗi đạo văn được phát hiện trước khi bảo vệ thì hội đồng không cho bảo vệ, được phát hiện trong khi bảo vệ luận văn sẽ bị đình chỉ, sau khi bảo vệ sẽ hủy kết quả để bảo vệ lại. Khi học viên đã nhận bằng mà bị phát hiện, trường sẽ làm thủ tục báo cáo Bộ GD-ĐT hủy và không công nhận bằng theo đúng quy định hiện hành. Đối với sinh viên, trong các bài tập được giảng viên tính điểm trong học phần giảng dạy, tùy mức độ vi phạm sẽ hủy kết quả hoặc bị trừ điểm nếu bị phát hiện vi phạm lỗi sao chép.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết quy định này ban hành nhằm thực hiện mục tiêu quyết liệt của trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung vào sau ĐH.
Trước đó, khi bắt đầu năm học 2013 - 2014, Trường ĐH Hoa Sen cũng chính thức áp dụng quy định phòng chống đạo văn trong trường học. Các hình thức xử lý mà trường đưa ra khá mạnh mẽ. Với bài thi, khi chấm bài phát hiện có đạo văn thì ngay lập tức bị cho điểm 0. Các bài thi giống nhau cùng lỗi vi phạm này sẽ đều bị cho điểm 0 mà không cần phân biệt người sao chép và người bị sao chép. Với tiểu luận, đề tài thực tập và luận văn tốt nghiệp, ngoài việc bị cho điểm 0, sinh viên đạo văn còn bị chuyển hồ sơ về phòng đào tạo nhà trường để lưu lại. Nếu đạo văn từ 2 lần trở lên, trong bất kỳ thời điểm và loại hình bài tập nào, sinh viên đều bị xử lý kỷ luật ở mức thấp nhất là cảnh cáo.
Trung thực trong sáng tạo
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, cho biết quy định này đã chính thức được đưa vào áp dụng từ năm học mới 2013 - 2014. Thực ra, trước đó nhiều năm trường đã quan tâm tới việc này nhưng thực hiện không có nhiều kết quả.
Nhưng nay với phần mềm kiểm tra đạo văn được áp dụng, mọi bài thi, bài tập nhỏ đến luận văn tốt nghiệp của sinh viên đều được đưa vào để kiểm tra dễ dàng. Cũng theo ông Bình: “Khi nhà trường thực hiện nghiêm túc việc này không chỉ giúp đầu ra nghiêm túc, mà còn rèn luyện cho sinh viên đức tính trung thực ngay với bản thân mình. Siết chặt lỗi đạo văn là việc các trường cần phải làm ngay”.
Trong khi đó, rất nhiều trường ĐH khác tỏ ra khá bỡ ngỡ khi được hỏi đến việc này. Tiến sĩ Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết đến thời điểm này trường chưa có văn bản nào cụ thể hóa về việc phòng chống đạo văn hoặc hình thức xử lý vi phạm này. Theo cách làm trước nay, trường giao trách nhiệm cho các thành viên hội đồng chấm luận văn và giảng viên. Tuy nhiên, các giảng viên không thể kiểm soát hết các thông tin trùng lắp nên đến khi có đơn tố cáo về việc đạo văn nhà trường mới biết. Tuy nhiên tiến sĩ Phước cho rằng, đây sẽ là việc quan trọng trường cần phải nghiên cứu để thực hiện ngay, bởi lẽ đặc thù trường đào tạo các ngành khoa học xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng trăn trở: “Vấn đề quan trọng là cách thức thực hiện quy định này như thế nào cho hiệu quả. Với các văn bản tiếng Anh, trường đã có phần mềm kiểm tra. Nhưng ở Việt Nam hiện chưa có phần mềm nào có thể kiểm tra lỗi đạo văn các sản phẩm bằng tiếng Việt nên hình thức kiểm tra chủ yếu là trực tiếp bằng con người”. Tuy nhiên, tiến sĩ Dũng cũng cho rằng: “Máy móc dù giúp rất lớn trong việc kiểm soát này nhưng chỉ có tính chất tương đối. Quan trọng nhất là cần dạy cho người học biết rõ về đạo văn để tránh phạm lỗi, cũng như ý thức trung thực trong hoạt động sáng tạo”.
Theo Hà Ánh
Thanh Niên