Trường chất lượng cao ở Hà Nội: Học phí cao, chất lượng ra sao?

Phòng học bố trí ít học sinh
Phòng học bố trí ít học sinh
TP - Sau 5 năm thực hiện đề án trường chất lượng cao, Hà Nội hiện có 17 trường từ mầm non đến THPT đang triển khai mô hình này. Hà Nội cho phép có thể thu học phí lên tới 5,3 triệu đồng/ tháng vào năm 2019 đối với các trường chất lượng cao, tuy nhiên không được tuyển chọn đầu vào, không tự chủ tuyển giáo viên nên mô hình vẫn còn nhiều bất cập.

Ðầu tư hiện đại

Trường tiểu học Nam Từ Liêm là một trong số các trường công lập hoạt động theo mô hình chất lượng cao ở Hà Nội đến nay được 5 năm. Trường được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, có khuôn viên, sân chơi, bãi tập với quy mô lên tới 7.700 m2. Trường chất lượng cao nên được xây mới, lắp đặt các thiết bị đầy đủ, hiện đại từ máy chiếu projecter; màn hình máy cassette; điều hòa, bàn ghế đẹp... Khác với các trường công lập thông thường, học sinh phải học và ăn, ngủ trên cùng một chiếc bàn chật hẹp thì học sinh trường chất lượng cao được đầu tư nhà ăn riêng biệt, khá hiện đại. Riêng trường tiểu học Nam Từ Liêm, phòng học, phòng ăn của trường có quy mô phục vụ cùng lúc cho 750 học sinh bán trú.

Tương tự, Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên) cũng là trường chất lượng cao nằm nổi bật giữa khu đô thị với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại trị giá lên tới 52 tỷ đồng. Trường được bàn giao, sử dụng cách đây 3 năm với quy mô có thể tiếp nhận 750 học sinh với các phòng học đầy đủ thiết bị, nhà vệ sinh sạch đẹp, các phòng học năng khiếu như: đàn, vẽ, phòng chức năng, nhà ăn công suất lớn…riêng biệt. Ở phía cầu thang, trường còn được thiết kế cả khu tiếp  khách, nghỉ ngơi cho giáo viên.

Theo khảo sát của PV, Hà Nội hiện có 17 trường chất lượng cao, trong đó có 8 trường mầm non, 6 trường tiểu học và 4 trường THPT. Trong đó có 12 trường chất lượng cao là trường công lập và 5 trường ngoài công lập.

Theo đó, các trường thực hiện đề án chất lượng cao được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu khang trang, hiện đại theo tiêu chí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Mỗi lớp chỉ bố trí tối đa 30 học sinh. Cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được ngân sách cấp kinh phí trong vòng 3 năm kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần. Kết thúc giai đoạn 3 năm, các trường phải tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên.

Tự chủ tài chính nhưng không được tự chủ giáo viên

Được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, sĩ số tối đa chỉ 30 em/ lớp. Ngay giữa thủ đô, trong điều kiện tốc độ dân số tăng nhanh, đa số các trường phải chịu sĩ số 55 học sinh/ lớp, thậm chí có trường lên tới 66 em/lớp hoặc phải bố trí lịch học luân phiên, việc được đầu tư cơ sở vật chất như trường chất lượng cao là điều ai cũng mơ ước.

Sau khi các trường chất lượng cao hoạt động (năm 2013), Hà Nội đã có quy định về mức trần học phí. Cụ thể, từ năm học 2016-2017 đến 2019-2020 đối với bậc  mầm non, tiểu học trường công chất lượng cao thu 3,9 triệu đồng/tháng; năm học 2016-2017 lên 5,1 triệu đồng. Bậc THCS thu 4,1 triệu đồng năm học 2016-2017, mức này sẽ tăng lên 5,3 triệu đồng/tháng vào năm học 2019-2020. Bậc THPT cũng có mức thu tương tự bậc THCS.

Tuy nhiên, mức thu trên mới chỉ là mức khung học phí. Khi đăng ký học ở trường chất lượng cao, học sinh còn phải đóng rất nhiều loại phí khác như: tiếng Anh liên kết, tiền bán trú, tiền ăn, tiền học thêm các loại đàn, nhạc, tiền xe đưa đón (nếu có)…Theo cách tính đó, mỗi học sinh phải đóng số tiền lên tới 6-8 triệu đồng/ tháng tùy trường. Với mức thu như trên, một trường có quy mô 750 học sinh cũng thu về trên dưới 3 tỷ đồng tiền học phí/ tháng.

Cụ thể như trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên), hiện nay đang xây dựng 3 mức thu cụ thể: Khối 1-2 là 3,6 triệu đồng/ tháng; Khối 3 đến 5 là 3,2 triệu đồng/ tháng; Riêng lớp quốc tế thu 4,7 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền ăn, tiền bán trú và các khoản phụ phí khác)…

Trường chất lượng cao ở Hà Nội: Học phí cao, chất lượng ra sao? ảnh 1 Nhà vệ sinh sạch đẹp
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có quy mô lên tới 750 học sinh nhưng sau 3 năm thành lập trường mới tuyển được 453 em. Được bàn giao cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí 4 năm (gồm 1 năm thí điểm), từ tháng 8/2018, trường mới bắt đầu tự chủ tài chính. Trong đó, thực hiện theo Nghị quyết 14 đã sửa đổi, bổ sung của HĐND TP Hà Nội, trường được thu học phí để chi trả lương giáo viên, các khoản phụ cấp lương, bảo hiểm, chi phí giảng dạy, văn phòng phẩm, điều hòa, điện nước, bảo trì trang thiết bị…Tuy nhiên, bà Phương cũng cho rằng, mức thu chưa thể áp trần như hiện nay rất khó khăn để duy trì hoạt động.

 Cũng theo bà Phương, trường chất lượng cao nhưng chưa hút được học sinh là vì, xung quanh địa bàn có nhiều trường tư tên tuổi trong khi tiếng là trường chất lượng cao nhưng mới thành lập, chưa có chất lượng đầu ra nên phụ huynh chưa tin tưởng. Bà Phương cũng cho rằng, trong giáo dục có 3 yếu tố thu hút người học, đó là cơ sở vật chất, chương trình và chất lượng đầu ra. Ở đây, cơ sở vật chất đã rõ nhưng chương trình và chất lượng thì khó xây dựng được niềm tin với phụ huynh. Bởi thực hiện mô hình chất lượng cao, giáo viên mỗi trường phải tự xây dựng chương trình dạy học riêng sau đó được quận và sở duyệt. Tuy nhiên, để có uy tín phải qua nhiều năm mới khẳng định được chất lượng.

Trưởng phòng GD&ĐT một quận tại Hà Nội cho rằng, mô hình trường chất lượng cao là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để đào tạo mũi nhọn, trong lúc mô hình trường chuyên bị bãi bỏ. Tuy nhiên, điều bất cập ở chỗ, trường chất lượng cao nhưng không được tuyển đầu vào mà thông thường các trường này được tuyển sinh trên toàn địa bàn, do đó, có trường “nếm trái đắng” khi phải tiếp nhận cả trẻ tự kỷ.

Hiệu trưởng một trường chất lượng cao chia sẻ: “Vì không được tuyển đầu vào nhưng muốn khẳng định thương hiệu, buộc phải ép giáo viên dạy cho ra học sinh có thành tích học sinh giỏi các cấp. Do đó, mỗi mùa tuyển sinh, trường chỉ mong không nhận phải trẻ tự kỷ là mừng lắm rồi”.

Cũng theo bà Phương, cùng thực hiện một mô hình trường chất lượng cao nhưng vị trí, cách chuyển mình của trường khác nhau cũng khác nhau rất nhiều. Ví như, trường chuyển mình từ trường công lập có sẵn lượng học sinh, nơi cư dân đông đúc cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trường có vị trí xa trung tâm. 

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, một vấn đề hiện nay là các trường công lập chất lượng cao tại Hà Nội mới chỉ được tự chủ tài chính mà chưa có cơ chế để tự chủ về tuyển chọn giáo viên. Do đó, đối với các trường công lập, khi thực hiện mô hình, quận, thị xã lại lựa chọn giáo viên các trường để thực hiện. “Việc để các trường tự chủ  phía Sở Nội vụ chưa có hướng dẫn”, ông Cẩn nói. 

MỚI - NÓNG
Bí thư Quảng Nam: Sắp xếp cán bộ sau sáp nhập phải minh bạch, chống việc chạy chức, tham nhũng tiêu cực
Bí thư Quảng Nam: Sắp xếp cán bộ sau sáp nhập phải minh bạch, chống việc chạy chức, tham nhũng tiêu cực
TPO - Việc bố trí cán bộ lãnh đạo, công chức tại các đơn vị hành chính mới phải ưu tiên lựa chọn người có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác và đủ điều kiện tuổi để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp. Sắp xếp cán bộ dôi dư phải lưu ý giải quyết những chính sách đối với cán bộ công chức, người lao động đảm bảo chặt chẽ đúng quy định, công tâm, khách quan, chống việc chạy chức, tham nhũng tiêu cực...