Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không nên nghĩ 'cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, cán bộ luân chuyển không nên nghĩ cứ đi luân chuyển về sẽ giữ vị trí cao hơn. Sắp tới sẽ không đưa cán bộ đi luân chuyển một cách ồ ạt.

Ngày 28/5, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 65 của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ”.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không nên nghĩ 'cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn' ảnh 1
Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Theo bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, việc thực hiện luân chuyển cán bộ theo Quy định 65 phải đồng bộ với văn bản có liên quan đến công tác cán bộ đã ban hành trước đó. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao chất lượng công tác luân chuyển. Thường xuyên giám sát cán bộ luân chuyển, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ.

“Dứt khoát phải nâng cao nhận thức của cán bộ luân chuyển. Cán bộ luân chuyển không nên nghĩ cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn”, bà Mai nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, quan điểm của Bộ Chính trị là không tăng thêm cán bộ luân chuyển. Sắp tới sẽ không đưa cán bộ đi luân chuyển một cách ồ ạt. Yêu cầu đi thực, làm thực.

Ban Tổ chức Trung ương phải chủ động hơn, năng động hơn trong đánh giá cán bộ đưa đi luân chuyển. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, Ban Tổ chức Trung ương phải tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định của Đảng về công tác cán bộ.

Theo Quy định số 65 của Bộ Chính trị việc luân chuyển cán bộ được thực hiện theo quy trình 5 bước.

Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.

Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.

Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.

Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).

Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".