Trung Thu của Cu Tin…

Trung Thu của Cu Tin…
TP - 1. Còn nhỏ xíu, nhưng năm nào mẹ cũng lo Trung Thu cho cu Tin từ rất sớm. Mới đầu tháng 8, mẹ đã te te chạy xe mấy chục cây số xuống phố rinh về cái đầu lân sặc sỡ, cái trống ông Địa, cái mặt nạ Tề Thiên và v.v….

Bánh kẹo thì thôi khỏi bàn. Nhưng bánh kẹo, trái cây mua gần nhà được; chỉ mấy thứ đồ “xa xỉ” kia là phải khổ công xuống phố. Cực; nhưng không sao. Với mẹ, Trung Thu là cái gì đó hết sức… trọng đại với trẻ con. Mùa Trung Thu, trẻ khác có cái gì cu Tin của mẹ nhất quyết phải có thứ đó, không được thiếu!.

Ba la: thằng cu mới bằng hột muối, biết gì mà Trung Thu; khéo dư tiền, sợ mấy đứa lớn bên hàng xóm không có cái chơi à…. Thiệt; mua về cả mớ nhưng cu Tin đâu biết đường chơi: thấy cái mặt nạ là khóc thét; đầu lân xanh đỏ cũng không dám rờ. “Dụ” mãi, chú chàng mới rón rén cầm cây thước bảng Tề Thiên mà gõ xuống nền nhà cộp cộp! Kệ, mẹ vẫn kiên định với cái lập trường: phải sắm sanh đầy đủ đồ lề Trung Thu cho con. Bạn tới chơi thì nó vui; nó chưa biết chơi thì từ từ biết, gì đâu quan trọng??

Mấy nhóc hàng xóm cu Tin đương nhiên là mừng hết lớn. Xóm núi nghèo, ai đâu dám bỏ tiền sắm đồ chơi Trung Thu “hoành tráng” cho con? Mẹ Tin sắm đồ chơi thì đường nào chúng cũng được chơi chung. Mà không chỉ chơi thôi đâu; đêm Trung Thu qua nhà cu Tin còn được mẹ Tin hào phóng đãi thêm trái cây, nước ngọt. Ăn xong rồi là đội đầu lân múa may nhảy cỡn, gõ trống tưng tưng cả buổi, đuổi không muốn về. Vậy nên cứ đến mùa Trung Thu lũ nhỏ lại ngong ngóng chờ mẹ cu Tin… xuống phố. Chờ đỏ mắt; còn hơn mong mẹ mình về chợ!

Tin vô lớp 1 cũng là lúc ba chia tay mẹ. Đúng mùa Trung Thu. 

2. Giờ thì cu Tin đã lớn, đã biết thế nào là niềm vui Trung Thu. Coi lân trên ti vi, Tin ta bắt chước lôi cái khăn ren trải bàn của mẹ ra sân tập múa. Múa một mình không đã, phải rủ thêm bầu bạn. Gì chớ vụ đây khỏi cần nài nỉ. Cả lũ hì hục kiếm bìa cứng vẽ, khoét làm mặt nạ; lấy thùng mì tôm rỗng làm đầu lân. Trống là cái… nắp xoong của mẹ, gõ chan chát bưng đầu bưng óc người nghe. Hò la hú hí, lăn lê nhào lộn đã đời cho tới lúc mẹ Tin “chịu đời” hết thấu, hét giải tán mới thôi.

Đuổi lũ nhỏ đi xong, nhìn mớ “đồ nghề” múa lân tự chế nghèo nàn chúng vứt bên thềm, thốt nhiên mẹ Tin ứa nước mắt. Phải; hình như lâu lắm rồi mẹ không còn nhớ chuyện xuống phố mua đồ chơi cho Tin. Lương cán bộ xã ba cọc ba đồng như mẹ lo xong ăn mặc đã là may, dư đâu đi sắm đồ chơi? Mới đó đã lại sang mùa Trung Thu…

3. Xã tổ chức mừng Trung Thu cho trẻ nhỏ; năm nay hoành tráng hơn mọi năm, có bánh kẹo, hát hò, đố vui có thưởng. Quan trọng hơn, có cả một đoàn lân “chính qui” được rước về sân Ủy ban múa giúp vui. Kẹo bánh thì thường thôi; nhưng nghe tới lân, mắt đứa nào cũng sáng trưng hơn điện!

Mẹ Tin, cán bộ phụ nữ, lo khâu tổ chức kiêm “quản trò” tất tật chương trình, từ A tới Z.

Nguyên ngày, mẹ bận tối mắt: vừa lo liệu chuyện quà cáp, vừa “lên khuôn” chương trình văn nghệ, đố vui; lại còn phải tranh thủ ra thị trấn gặp, thương lượng với đoàn lân. Múa ít, đi xa, chủ đoàn ngại cực, ngại tiền ít không muốn đi. Thù lao nhiều thì xã không đủ kinh phí. Mẹ phải trổ hết tài “thuyết khách”, hứa sẽ hợp đồng dài hạn nhiều năm, hứa vận động các gia đình có máu mặt trong xã rước lân về múa mỗi dịp Trung Thu…. Năn nỉ thiếu điều gãy lưỡi chủ lân mới ok. Phờ phạc tới xế chiều tạm xong khâu tổ chức; không còn thời gian, mẹ phải ra luôn sân Ủy ban cho kịp giờ khai mạc. Cu Tin còn đi học, mẹ chỉ kịp nhờ chú Hùng hàng xóm đợi Tin về thì chở giúp Tin ra sân cho Tin vui Trung Thu. Mẹ mường tượng cảnh cu Tin được vui vẻ cười đùa, nhận quà, tham gia trò chơi với chúng bạn. Và nữa, lần đầu tiên trong đời Tin sẽ được chứng kiến một đoàn lân Trung Thu. Lân thực thụ, “bằng xương bằng thịt” chứ không phải lân trên ti vi. Sướng lịm người là cái chắc. Mấy lần chứng kiến cảnh Tin tập tành múa may ở nhà cũng đủ biết: Tin mê lân tới cỡ nào! Nghĩ tới đó, vất vả cả ngày của mẹ dường tiêu tan. Nói thật; nỗ lực chạy hụt hơi lo chương trình Trung Thu của mẹ chắc chắn có động lực không nhỏ từ cu Tin… 

4. 5 giờ. Rồi 6 giờ. Khai mạc hơn tiếng đồng hồ vẫn không thấy bóng cu Tin. Đã sang tiết mục đố vui có thưởng. Đứng dẫn chương trình mà mẹ Tin ruột như có lửa. Mấy lần tranh thủ gọi điện, chú Hùng không bắt máy. Bình thường, mẹ dẫn chương trình rất trơn tru mà bữa nay cứ nói vấp mãi không thôi. Mười phút nữa tới tiết mục múa lân. Thêm hai mươi phút nhận quà là chương trình bế mạc. Đã lỡ dịp tham gia trò chơi, Tin mà không ra kịp coi múa Lân thì bao công lao mẹ chuẩn bị Trung Thu cho Tin hóa thành công cốc!

Đoàn lân khởi sự múa. Lũ nhỏ trong sân hò la tở mở, căng mắt căng tai theo từng vũ điệu lân lượn vờn uốn éo, theo nhịp trống cà rùng. Không riêng trẻ con, các bậc phụ huynh cũng dường mê mẩn với mớ trang phục hoành tráng ngù tua xanh đỏ, với các động tác tiến thoái thành thục hết sức chuyên nghiệp của đoàn lân. Chốc chốc, cả sân lại rộ lên tràng cười sặc sụa với ông Địa bụng chang bang núng nính đánh mông phe phẩy quạt, hất cái mặt cười toe toét lên trời trong bộ dạng hoạt kê; hay với chú Tề Thiên đang nhảy nhót lom khom, liến láu làm trò khỉ.

Vẫn không thấy bóng cu Tin
đâu hết.

Giờ thì mẹ đúng tuyệt vọng. Giá có thể, chắc mẹ sẽ bỏ vãi mọi thứ, chạy bay về nhà tìm cu Tin. Nhưng không thể; mẹ đang quản trò, đi thì ai lo? Hết cách. Mẹ mường tượng cảnh cu Tin ở nhà đang khóc mếu vì sợ, vì buồn khiến mẹ cũng muốn khóc…

7 giờ. Chú Hùng hớt hải dắt cu Tin đâm bổ vào sân, nơi mẹ Tin đang phát những phần quà cuối cùng cho lũ nhỏ đến sau. Em xin lỗi, em công việc, về muộn quá…. Cu Tin ngơ ngác đứng ngây trong quầng sáng rực rỡ của sân chơi Trung Thu sắp tàn cuộc với áo quần xốc xếch, mặt mày lem luốc, tóc tai rối bù. Giữa chúng bạn chỉnh tề, cái bộ dạng thảm hại kia trông càng thảm hại nhân đôi. Đám đông thoáng chốc lặng tờ; sau đó, tiếng lầm rầm nổi lên. Ai đó nói to: coi thằng nhỏ không cha kìa, gì tội dữ bây…

Mẹ Tin đứng sựng, gói quà trên tay rớt xuống, bật khóc. 

5. Lần đầu tiên xóm nghèo có chuyện lạ: lân được mời đến múa ở… nhà riêng!

Đó là nhà cu Tin. Mẹ quyết định rồi: nửa tháng lương, chấp nhận hi sinh cho niềm vui Trung Thu trọn vẹn của con trai. Phải, Trung Thu với trẻ con là trọng đại, mẹ không thể để cuTin buồn! Cũng may, chú trưởng đoàn lân thông cảm với hoàn cảnh nhà cu Tin, đồng ý tính giá hữu nghị. Đám “chiến hữu” hàng xóm cu Tin lại bất ngờ được một phen sung sướng: lân múa tại nhà cu Tin thì cũng chẳng khác nhà mình là mấy. Coi lân “chính qui” múa tại nhà, niềm vui thật quá… trong mơ!

Thật ra thì mẹ cũng có xót xa cho mấy cái cây cảnh, bồn hoa. Lân rước vô nhà, chắc chắn thể nào hoa trái cũng bị lũ trẻ theo chân dẫm nát cho coi. Kệ, mẹ tặc lưỡi, cây cối gãy đổ ráng trồng lại được; nhưng vui Trung Thu cho con thì chỉ có một lần mỗi năm…

Câu chuyện dung dị và có cảm giác thật thà như một mảnh đời ở đâu đó ngoài kia được đưa vào tác phẩm. Và chính cái thủ pháp thật thà này đã gây rung động cho người đọc. Có một nỗi xót xa, một niềm cảm thông với cảnh nghèo, cảnh đơn chiếc và nỗi lòng con trẻ. Chỉ một cuộc múa lân, và chỉ vậy Y Nguyên – tên thật Nguyễn Văn Danh đã làm được cái tưởng chừng cao vời: Văn chương.

Tác giả sống và làm việc tại Đông Hòa, Phú Yên. Đã in một số tập truyện ngắn.

L.A.H

MỚI - NÓNG