Công trình gồm hai tòa tháp cao 27 tầng, cao 106 m, gắn kết qua cầu nối ở tầng 21-22, đủ chỗ làm việc cho 1.700 người. Tổng khái toán dự kiến là hơn 2.100 tỷ đồng. Tại Hà Tĩnh, theo đề án của UBND tỉnh, TTHC sẽ tọa lạc trên địa bàn xã Thạch Đài, Thạch Hà, diện tích 70ha, với số vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Xuân Tùy - Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: “Tôi hoàn toàn đồng ý và ủng hộ chủ trương xây dựng khu hành chính tập trung vì có những thuận lợi sau: Thứ nhất, tiết kiệm quỹ đất. Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi làm việc; Thứ ba, chủ trương này hoàn toàn phù hợp với hiện nay, xu hướng hiện đại hóa các cơ quan nhà nước là bộ mặt của tỉnh nhà. Nghệ An không sử dụng ngân sách nhà nước mà chúng ta tự vận động theo kiểu Xã hội hóa.
Hà Tĩnh tự cân đối vốn
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trọng Hiếu, các trụ sở của Hà Tĩnh được xây dựng từ những năm 90 đã quá cũ kỹ. Hiện nay, hằng năm số tiền sửa chữa rất lớn nhưng không hiệu quả. Người dân và doanh nghiệp đến làm việc gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm hành chính phải thực hiện qua nhiều giai đoạn để huy động vốn.
Nguồn vốn ở đây địa phương phải tự cân đối như bán trụ sở cũ, phát triển quỹ đất quanh khu vực TTHC và các nguồn vốn hợp pháp khác. Khi có TTHC, tỉnh sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư vào theo hình thức BT.
Ban đầu sợ dư luận sẽ cho rằng xây dựng TTHC tỉnh cả nghìn tỷ sẽ này nọ. Tuy nhiên, khi đưa ra các phương án, HĐND tỉnh đồng ý. Hiện đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 9/8, tại cuộc họp nghe báo cáo Quy hoạch phân khu khu đô thị Hàm Nghi và TTHC tỉnh Hà Tĩnh - tỷ lệ 1/2000, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định, việc triển khai xây dựng TTHC mới của tỉnh là cần thiết, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý, thống nhất chủ trương.