Trung tâm đăng kiểm ngóng xe
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V (Hà Nội), cho biết, trạm có 2 dây chuyền đăng kiểm với gần 30 nhân viên. Với công suất hiện tại, đơn vị có thể đăng kiểm cho khoảng 160 xe/ngày. Thế nhưng hiện tại, mỗi ngày trung tâm chỉ làm dịch vụ cho khoảng 50 - 60 xe. Doanh số xe đăng kiểm tháng 7 chỉ bằng 39% so với cùng kỳ.
Theo ông Hoàn, mức phí đăng kiểm hiện tại (240.000-560.000 đồng/xe) thu không đủ để trả lương cho nhân viên. Ngoài ra, trung tâm chịu thêm các chi phí khác như thuê đất, bảo dưỡng, bảo trì máy móc…
Ông Hoan cho biết, Trung tâm của ông còn may mắn vì trực thuộc Cục Đăng kiểm nên vẫn được hỗ trợ tài chính. Nhiều trung tâm tư nhân đã phải cho nhân viên nghỉ luân phiên, khả năng còn phải đóng cửa hoạt động.
Sau thời kỳ ùn tắc, các trung tâm đăng kiểm thu không đủ chi. Ảnh: Như Ý |
“Chưa bao giờ trung tâm đăng kiểm lại khó khăn về kinh phí hoạt động như lúc này. Đã 2 tháng nay, tôi phải lên Cục Đăng kiểm xin hỗ trợ lương cho anh em. Mồng 2/9 này, Trung tâm cũng phải mong chờ hỗ trợ từ Cục mới có thưởng cho đăng kiểm viên”, ông Hoan nói.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, hiện tại trạm có hai dây chuyền kiểm định và 16 nhân viên phục vụ nhưng lượng xe đến nhỏ giọt.
Lãnh đạo trung tâm đăng kiểm này cho biết hầu hết các trung tâm đăng kiểm đều đang trong tình trạng khó khăn và lỗ nặng. Mỗi ngày trung tâm này chỉ đăng kiểm được 25-30 xe, giảm khoảng 70% so với hai tháng trước đó.
“Doanh nghiệp đăng kiểm tư nhân thiệt hại nặng nề hơn vì lượng xe giảm sâu, nguồn thu thậm chí không đủ chi phí chi trả tiền lương cho nhân viên. Ngoài ra, việc miễn kiểm định lần đầu đối với xe mới, doanh nghiệp chưa được hỗ trợ bất cứ chi phí gì. Dù thua lỗ, chúng tôi vẫn phải duy trì lượng nhân viên, chờ xe đăng kiểm đông trở lại vào đúng chu kỳ cuối năm”, vị này nói.
Chủ động đăng kiểm sớm
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tô An, Cục Phó Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, ông đã nhận được nhiều phản ánh từ các trung tâm đăng kiểm về việc lượng xe đăng kiểm ít.
Các trung tâm đăng kiểm đã hoạt động trở lại đến 90%. Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất tăng giá dịch vụ kiểm định ô tô thêm từ 30.000 - 220.000 đồng tùy theo loại xe và 50.000 đồng phí lập hồ sơ với xe miễn đăng kiểm.
Theo ông An, lượng xe đăng kiểm thời điểm này ít bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất khi áp dụng Thông tư 02, 08 về miễn kiểm định lần đầu và giãn chu kỳ kiểm định, một lượng xe lớn không phải đến kiểm định. Bên cạnh đó, do tác động kinh tế có một lượng lớn xe ngừng hoạt động không đi kiểm định nữa để giảm phí bảo trì đường bộ. Ngoài ra, một lượng các xe độ, chế không đi kiểm định nữa vì nếu đi kiểm định sẽ không đạt.
Ông An chia sẻ những trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm vẫn đang được Cục hỗ trợ thêm chi phí. Nhiều trung tâm đăng kiểm tư nhân đang trong giai đoạn khó khăn, thậm chí đóng cửa hoặc phá sản.
Theo các chuyên gia giao thông, các giải pháp của Bộ GTVT đã cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm ô tô trên cả nước. Tuy nhiên, thông lệ, các dịp cuối năm dương lịch và Tết Nguyên đán, số lượng phương tiện tới hạn kiểm định rất lớn.
Kèm theo đó, tháng 1 và tháng 2 sẽ trùng với lịch nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, tổng thời gian nghỉ khoảng 10-15 ngày, người dân có tâm lý đưa phương tiện đi kiểm định trước khi hết hạn để đi chơi Tết và không phải đi đăng kiểm ngày đầu năm mới. Các tháng đầu năm và cận Tết Nguyên đán hằng năm, lượng xe tới đăng kiểm sẽ tăng từ 20-30% so với các tháng còn lại của năm.
Đặc biệt hơn, vào nửa đầu năm 2024, khoảng 1,4 triệu ô tô được tự động gia hạn đăng kiểm thêm 6 tháng của nửa cuối năm nay sẽ tới kỳ phải đưa đi kiểm định lại. Với các lý do trên, số ô tô tới hạn đăng kiểm trong nửa đầu năm 2024 sẽ có thể gấp 2-3 lần bình thường. Sức ép với các trung tâm đăng kiểm sẽ trở lại.