Trung Quốc và những vụ mua bán nội tạng kinh hoàng
> Trung Quốc thu hồi thực phẩm cho trẻ em chứa thủy ngân
Vấn nạn “thu gom”, mua bán, cấy ghép nội tạng người trái phép ở Trung Quốc (TQ) được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm từ tháng 8/2012, khi công an TQ triệt phá một đường dây buôn bán tạng người sống.
Chiến dịch truy quét của công an TQ được phát động sau vụ một nam học sinh 17 tuổi bán thận để kiếm 3.500 euro mua iPhone và iPad! Hiện tính mạng cậu này đang trong tình trạng nguy kịch do hậu quả của lần phẫu thuật. Trên các trang mạng TQ xuất hiện không ít các rao vặt “Hãy bán một quả thận để mua iPad!”
Kẻ đăng tin cho biết sẽ trả khoảng 4.000USD cho một quả thận và việc cắt lấy thận diễn ra trong vòng 10 ngày. Giới cò mồi yêu cầu người muốn bán gan, thận phải có chiều cao trên 1m7, cân nặng trên 75kg, tuổi dưới 30, sức khỏe tốt, chức năng gan, thận tốt, tất cả những tiêu chí này đều phải được xác minh bằng phiếu khám sức khỏe của bệnh viện, có xét nghiệm vi-rút viêm gan B, ảnh màu 4x6 mới chụp.
Các nạn nhân của đường dây buôn bán nội tạng người bất hợp pháp với những vết sẹo dài trên cơ thể. |
Bọn cò mồi hứa bao ăn, ở trong thời gian chờ, chịu chi phí kiểm tra sức khỏe và các phụ phí. Nhiều mục rao vặt còn "khuyến mại" thêm tiền tàu xe đi về, tiền tiêu vặt trong thời gian chờ bán nội tạng, “phong bì” hậu tạ không dưới 1.000 tệ của "bên mua"...
“Quái vật ăn thịt người”
Năm 2012 còn có một vụ án kinh hoàng hơn. Tân Hoa xã vào ngày 27.5.2012 lần đầu tiên xác nhận vụ bắt giữ Zhang Yongming 56 tuổi, nghi can giết người hàng loạt ở tỉnh Vân Nam rồi đem nội tạng ra chợ bán. Kết quả điều tra cho biết trong 4 năm, Zhang đã giết 11 thanh thiếu niên trong tổng số 17 người được thông báo mất tích tại làng Nanmen, nơi y sinh sống.
Theo hồ sơ vụ án, Zhang đã bất ngờ tấn công các nạn nhân từ phía sau khi họ đi bộ một mình gần nhà y. Sau khi giết các nạn nhân, Zhang chặt xác, đốt và chôn thi thể để tiêu hủy bằng chứng. Đến nay, nhà chức trách chưa tiết lộ động cơ giết người của Zhang. Tuy nhiên, nhiều tin đồn cho rằng đây là một vụ ăn thịt người kinh hoàng nhất ở Vân Nam. Dân làng đều gọi Zhang là "Quái vật ăn thịt người". Ngày 28.7.2012, Tòa án Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) tuyên tử hình Zhang.
Trước đó, dân TQ kinh hoàng với vụ án giết người lấy nội tạng để bán hồi năm 2006: người ăn xin Đồng Cách Phi 40 tuổi bị 4 nông dân ở huyện Hành Đường (tỉnh Hà Bắc) do Vương Triều Dương cầm đầu bắt giam.
Sau đó Vương tìm tới một đối tượng môi giới ở Quảng Châu, nhờ liên hệ với một số bác sĩ phao tin y có người quen ở tòa án và trại giam cho biết có một tử tù đang chờ ra pháp trường. Rồi Vương và đồng bọn giết chết Đồng, sau đó nói với bệnh viện đó là tử tù vừa bị xử bắn, và bán nội tạng của nạn nhân cho bệnh viện với giá gần 15.000 tệ. Nghi ngờ, các bác sĩ báo cáo lãnh đạo bệnh viện và công an. Vương bị bắt ngay sau đó.
Zhang bị kết án tử hình. |
“Mua” được các bệnh viện
Năm 2010, Tòa án khu Hải Định (Bắc Kinh) đã đưa ra xét xử một đường dây buôn bán nội tạng người, qua đó hé lộ những thủ đoạn tàn nhẫn trong thế giới ngầm này. Vụ việc bắt đầu sau khi Dương Niệm, một thanh niên 19 tuổi, tố cáo với công an về việc bị các đối tượng lừa bán gan nhưng không trả đủ tiền.
Niệm nhà nghèo, nghe tin bán nội tạng có thể có nhiều tiền nên đã lên mạng internet tìm người môi giới và gặp ngay một tay "cò mồi" báo giá: "Bán thận giá 45.000 tệ, bán gan giá 40.000 tệ”. Chịu giá trên, Niệm gặp các đối tượng để tiến hành bán gan. Qua tay hai cò, Niệm được đưa đến Lưu Cường Thắng, một ông trùm buôn nội tạng ở Bắc Kinh.
Tay trùm này làm giả chứng minh thư "hô biến" Niệm thành cháu ruột của người nhận gan trong thời gian chỉ một tuần, vì theo quy định của pháp luật TQ, những người cho - nhận nội tạng phải là vợ-chồng, người thân trực hệ hoặc người thân bàng hệ trong phạm vi 3 đời. Sau hơn 10 giờ phẫu thuật, Niệm chỉ còn lại 40% buồng gan.
Thế nhưng sau khi xuất viện, Niệm chỉ nhận được 25.000 tệ. Trùm Thắng giữ lại 10.000 tệ với lý do "phí ăn ở, làm thủ tục". Không chấp nhận lý do này, Niệm tìm đến chỗ ở của Thắng và bị đuổi đánh. Đường cùng, nạn nhân báo công an và từ những thông tin này, đường dây buôn nội tạng bị đưa ra ánh sáng pháp luật. Tuy nhiên, theo lời khai của Thắng, đường dây của y chỉ là “cò con”. Y nói: "Em bị bắt là do mới vào nghề, kinh nghiệm còn non.
Thị trường chợ đen mua bán nội tạng người lớn tới mức không thể tưởng tượng nổi. Những người như em chỉ là con tép trong ổ tôm kềnh thôi. Tất cả các bệnh viện trung ương cấp 3 trở lên có thể phẫu thuật cấy ghép nội tạng đều bị những người như bọn em “mua hết”, cả nước có hơn 100 bệnh viện như vậy thì anh thử tính xem thị trường nội tạng chợ đen lớn đến cỡ nào?".
Nguồn cung cấp nội tạng cho cho thị trường "chợ đen" ở Trung Quốc phần lớn là dân nhập cư. |
Cầu cao, cung thấp
Thống kê từ Bộ Y tế TQ cho thấy khoảng 1,5 triệu dân cần được cấy ghép cơ quan nội tạng mới, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 10.000 ca được thực hiện do thiếu nguồn hiến tặng. Tình trạng này dẫn tới "chợ đen" buôn bán nội tạng người. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, thận chiếm 75% các thương vụ mua bán nội tạng trên toàn cầu. Trong năm 2010 có 106.879 ca ghép nội tạng ở 95 quốc gia thành viên, cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Kỹ thuật phẫu thuật cấy ghép nội tạng được bắt đầu thực hiện thành công ở các bệnh viện TQ từ những năm 1960 và nhanh chóng phát triển, đến nay trình độ phẫu thuật cấy ghép lâm sàng của nước này chỉ đứng sau Mỹ.
Năm 2004, TQ thực hiện hơn 13.000 ca cấy ghép nội tạng, dù có vài người sau đó bị chết nhưng nhìn chung việc ghép tạng đã cứu sống hàng ngàn người. Dù số ca cấy ghép tạng giảm xuống còn bình quân 11.000/năm vào năm 2005, TQ vẫn là nước có số ca cấy ghép tạng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc hiến tặng nội tạng rất hạn chế ở TQ, vì nó đi ngược lại văn hóa truyền thống vốn cho rằng thận, gan và tim có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với con người. Nhưng TQ không phải là nước duy nhất thiếu nguồn cung nội tạng. Đã có thị trường mua bán nội tạng “đen”, thậm chí xuyên biên giới (thường qua Ấn Độ).
Lấy nội tạng tử tù
Nhiều báo cáo cho biết nội tạng của người bị tử hình ở TQ bị lấy đem đi bán trên thị trường thế giới vào giữa những năm 1980, khi một luật ra đời năm 1984 cho phép thu hoạch nội tạng từ các tử tù nếu được người thân của tử tù đồng ý, hoặc khi xác của tử tù không có người nhận. Cựu Thứ trưởng Y tế TQ Huang Jeifu năm 2005 thừa nhận hơn 95% nội tạng cấy ghép ở nước này là lấy từ các tử tù. Ông còn nói thêm bản thân ông thực hiện khoảng 100 ca ghép thận mỗi năm.
Tuy nhiên, từ năm 2007, Tòa án tối cao TQ hủy bỏ quyết định quyền chuẩn y tử hình, số lượng tử tù đã giảm trông thấy. Quy định tử tù phải có văn bản xin tình nguyện hiến nội tạng mới được chuẩn y đã làm giảm 2/3 nguồn cung nội tạng cho phẫu thuật cấy ghép.
Nhu cầu thực tế ngày càng bức xúc, nguồn cung lại bị cắt giảm nghiêm trọng đã thúc đẩy sự ra đời của một "ngành kinh tế", "thị trường nội tạng chợ đen". Ở thị trường này, người bán, người mua, môi giới, bệnh viện đều có lợi, họ phối hợp chặt chẽ với nhau và mỗi thành phần phụ trách một khâu tạo thành dịch vụ trọn gói hoàn chỉnh.
Không chỉ phục vụ các đối tượng bệnh nhân là người TQ, thị trường cung cấp nội tạng người ở đất nước trên 1,3 tỷ dân này còn tạo ra “du lịch cấy ghép nội tạng”. Chỉ tính riêng trung tâm phẫu thuật cấy ghép nội tạng Đông Phương (trực thuộc Bệnh viện số 1 Thiên Tân) vào năm 2006 đã thực hiện thành công 600 ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng, trong đó số bệnh nhân đến từ Nhật Bản, Mỹ, Saudi Arabia... chiếm quá nửa.
Năm 2009, thông tin 17 khách du lịch Nhật sang TQ phẫu thuật cấy ghép nội tạng đã khiến dư luận TQ quan tâm, Bộ Y tế nước này phải vào cuộc điều tra và ra thông báo gửi các bệnh viện, phẫu thuật cấy ghép cơ quan nội tạng phải được ưu tiên cho người dân TQ.
Truyền thông TQ cho biết hiện những trường hợp cần phẫu thuật cấy ghép gan, thận ở các bệnh viện được ghép nội tạng ở nước này đều phải xếp thứ tự chờ đợi vài tháng, hoặc có thể dài hơn. "Cụ thể đợi bao lâu còn phụ thuộc tình hình thực tế. Chi phí cấy ghép gan, thận bình quân 100.000 tệ/ca một nguồn tin cho biết.
Giá tham khảo ngoài thị trường "chợ đen" thậm chí cao hơn gần gấp đôi. Một cò mồi tên Vương ở Giang Tô đưa ra mức giá trọn gói 180.000 tệ bao gồm chi phí trả cho người bán thận, làm xét nghiệm, phong bì cho bác sĩ, thủ tục giấy tờ, thậm chí người này còn cho biết có thể "bố trí" được bệnh viện và bác sĩ thực hiện phẫu thuật theo yêu cầu của gia đình người bệnh.
Khi phóng viên hỏi đối tượng, tại sao bệnh viện chính quy chỉ thu 100.000 tệ mà bọn họ đòi tới 180.000 tệ thì nhận được câu trả lời tỉnh queo: "Thận của bệnh viện là lấy từ người chết anh ơi, hàng của bọn em là hàng sống, chất lượng giống nhau làm sao được, tiền nào của nấy mà!".
Đầu năm 2007, Bắc Kinh lần đầu tiên công bố những quy định cấp quốc gia về cấy ghép nội tạng con người, nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân buôn bán nội tạng dưới mọi hình thức. Luật Hình sự sửa đổi năm 2011của TQ có ba điều khoản về tội phạm liên quan buôn bán nội tạng, theo đó những kẻ bị kết tội tổ chức buôn bán nội tạng người có thể phải đối mặt với án tù hơn 5 năm kèm phạt tiền nặng. Những kẻ bị kết tội "cưỡng ép hiến nội tạng, lấy nội tạng của người khác hay của trẻ vị thành niên" có thể phải đối mặt với mức án dành cho tội giết người.
Dù vậy, trong một cuộc họp báo năm 2010 ở Madrid (Tây Ban Nha), cựu Thứ trưởng Huang cho biết từ năm 1997-2008, TQ đã thực hiện hơn 100.000 ca cấy ghép nội tạng người, trong đó hơn 90% tạng lấy từ tử tù. Vào tháng 2.2012, ông Huang cho biết nạn lấy nội tạng từ tù nhân vẫn tồn tại ở TQ, nhưng chính phủ đã quyết tâm dẹp bỏ nó trước năm 2015 bằng cách phát động phong trào hiến tạng quốc gia.
Theo Thế giới & Hội nhập