Trung Quốc trả đũa Mỹ về chuyện hạn chế phóng viên

Các phóng viên nước ngoài tác nghiệp trong một sự kiện ở Trung Quốc năm 2015. Ảnh: AP
Các phóng viên nước ngoài tác nghiệp trong một sự kiện ở Trung Quốc năm 2015. Ảnh: AP
TP - Các nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối gia hạn thẻ hoạt động báo chí của ít nhất ba phóng viên thuộc các tờ báo, cơ quan truyền thông Mỹ có văn phòng tại Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.  

Các nhà báo của Wall Street Journal, CNNGetty Images được thông báo họ không thể gia hạn thẻ vì các biện pháp gần đây của Mỹ chống lại các nhà báo Trung Quốc ở Mỹ, Guardian dẫn một số nguồn tin cho biết.

Thay vào đó, các nhà báo nói trên được nhận những giấy tờ cho phép họ tạm thời làm việc bằng thẻ đã hết hạn, thường có giá trị trong một năm. Các quan chức Trung Quốc nói tương lai thẻ báo chí của họ sẽ phụ thuộc vào việc Nhà Trắng có cho phép các nhà báo Trung Quốc tiếp tục làm việc tại Mỹ hay không.

CNN nói phóng viên của họ tại Bắc Kinh, David Culver, một công dân Mỹ, đã được phía Trung Quốc thông báo rằng hạn chế này là “biện pháp có đi có lại” đối với các quyết định của Mỹ về việc hạn chế thị thực của các nhà báo Trung Quốc tại Mỹ.

“Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng tôi trên thực địa ở Trung Quốc vẫn không thay đổi và chúng tôi đang tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để đảm bảo điều đó tiếp tục”, CNN nói trong một tuyên bố.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Jeremy Page, phóng viên người Anh tại văn phòng Bắc Kinh của họ cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế. Cả CNNWall Street Journal đều cho biết các phóng viên của họ đã được thông báo rằng thị thực của họ, phụ thuộc vào thời hạn của thẻ báo chí, sẽ được gia hạn nhưng rút ngắn xuống còn hai tháng. Getty Images từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong nhiều tháng, Trung Quốc và Mỹ đã có những đòn trả đũa ăn miếng trả miếng về cách đối xử với các nhà báo ở cả hai nước. Vào tháng 3, Trung Quốc đã trục xuất hơn 10 nhà báo Mỹ sau khi Mỹ coi các phương tiện truyền thông Trung Quốc hoạt động ở Mỹ là cơ quan đại diện nước ngoài.

Sau đó vào tháng 5, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã giới hạn thời gian các phóng viên Trung Quốc có thể ở lại Mỹ là 3 tháng, có khả năng gia hạn. Những thị thực đó được cho là sẽ hết hạn vào tháng 11 - cùng thời điểm thị thực của các nhà báo CNNWall Street Journal thường trú ở Trung Quốc hết hạn.

Đầu tháng này, một phóng viên của tờ Los Angeles Times đưa tin về các cuộc biểu tình ở Nội Mông đã bị bắt giam tại đồn cảnh sát trong 4 giờ.

Các quan chức Trung Quốc nói các biện pháp chống lại các nhà báo ở Trung Quốc bắt nguồn từ các hành xử không công bằng nhằm vào các nhà báo Trung Quốc ở Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Năm tuần trước nói “vấn đề truyền thông” giữa Mỹ và Trung Quốc là do “tâm lý chiến tranh lạnh”.

Bà nói: “Nếu Mỹ tiếp tục đi theo con đường sai lầm, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp đối phó chính đáng và cần thiết để kiên quyết duy trì các quyền hợp pháp của mình”.

Theo CNN, Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ hôm Chủ nhật rằng các nhà ngoại giao của họ ở Bắc Kinh gần đây đã được thông báo về các biện pháp sắp thực hiện của chính phủ Trung Quốc nhắm vào các phương tiện truyền thông Mỹ ở Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói: “Những hành động này... sẽ làm xấu đi môi trường thông tin ở Trung Quốc”. “Các hành động của Bắc Kinh hết lần này đến lần khác chứng minh rằng chính quyền Trung Quốc sợ các phương tiện truyền thông điều tra và độc lập đưa tin chỉ nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn sự hiểu biết của thế giới về Trung Quốc”.

David Stilwell, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói các cơ quan truyền thông Trung Quốc được xếp vào dạng các cơ quan đại diện nước ngoài vì chính phủ Mỹ coi họ là các cơ sở tuyên truyền do chính phủ Trung Quốc chỉ đạo, không phải là các tổ chức tin tức độc lập. 

MỚI - NÓNG