Trung Quốc phân bua về hộ chiếu 'đường lưỡi bò'

Trung Quốc phân bua về hộ chiếu 'đường lưỡi bò'
Bắc Kinh lần đầu tiên phát biểu về hộ chiếu mới có bản đồ sai trái, rằng đó là "cải tiến về công nghệ' và không nên bị "săm soi", trong khi các nước tiếp tục những biện pháp bác bỏ bản đồ trên.

> In 'đường lưỡi bò' lên hộ chiếu - đòn thử của Trung Quốc
> 'Đường lưỡi bò' trên hộ chiếu bị chính dân Trung Quốc phản ứng
> Mỹ không chứng thực hộ chiếu ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc 

Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường 9 đoạn phi lý mà họ đòi hỏi trên Biển Đông. Ảnh: People's Daily
Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường 9 đoạn phi lý mà họ đòi hỏi trên Biển Đông. Ảnh: People's Daily.

Tại cuộc họp báo định kỳ hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã tìm cách giảm nhẹ ý nghĩa của bản đồ gây tranh cãi trên hộ chiếu.

"Hình ảnh trên hộ chiếu không nên bị diễn giải quá lên", ông nói. "Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước liên quan và thúc đẩy trao đổi hòa bình giữa nhân dân Trung Quốc và thế giới".

Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh rằng "vấn đề về bản đồ trên hộ chiếu mới của Trung Quốc không nên bị săm soi". "Mục đích của hộ chiếu điện tử mới chỉ là tăng cường về tiện ích về công nghệ và giúp các công dân Trung Quốc thuận tiện hơn khi xuất nhập cảnh một quốc gia".

Truyền thông quốc gia Trung Quốc cho biết nước này lần đầu phát hành hộ chiếu mới từ mùa xuân vừa qua nhằm giới thiệu công nghệ mới, trong đó có con chíp thông minh.

Những phát biểu của ông Hồng Lỗi được đưa ra sau sự phản đối mạnh mẽ liên tiếp từ Philippines, Việt Nam, Ấn Độ và cả đảo Đài Loan tuần qua, sau khi Trung Quốc in bản đồ nước này và vẽ thêm "đường lưỡi bò", đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, cùng đảo Đài Loan và hai vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ trong mẫu hộ chiếu mới.

Ấn Độ đáp trả bằng cách dán visa có in hình bản đồ của nước này, trong đó có hai địa điểm tranh chấp, để cấp cho công dân Trung Quốc. Ấn Độ cũng sẽ cấp thị thực mới tại sứ quán ở Bắc Kinh, trong đó sẽ bao gồm bản đồ có vùng lãnh thổ mà New Delhi tuyên bố chủ quyền.

Việt Nam từ chối đóng dấu chứng thực cho các công dân Trung Quốc có hộ chiếu in "đường lưỡi bò", mà thay vào đó cấp một thị thực rời cho những người này. Philippines hôm qua cũng trở thành nước thứ hai từ chối đóng dấu vào hộ chiếu mới của Trung Quốc và thay thế bằng cách tương tự Việt Nam. Manila cho biết quyết định này củng cố thêm công hàm phản đối chính thức đã được gửi đến Bắc Kinh tuần trước.

Trước đó một ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng bày tỏ sự quan ngại của Mỹ về vấn đề hộ chiếu mới của Trung Quốc in "đường lưỡi bò".

"Bản đồ này đang gây ra những căng thẳng và lo ngại giữa các quốc gia trên Biển Đông", bà nói. Theo bà, "Trung Quốc có quyền thiết kế hộ chiếu như ý muốn", nhưng bề ngoài của các quyển hộ chiếu không được "gây thù địch giữa các nước mà chúng tôi muốn chứng kiến họ ngồi lại đàm phán với nhau".

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng việc Trung Quốc đưa đường lưỡi bò vào bản đồ trên hộ chiếu là sai trái.

Ông Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nói: "Chính phủ Trung Quốc nên rút lại mẫu hộ chiếu mới, bởi hộ chiếu là một vật trung lập, dùng để khích lệ các mối quan hệ kinh tế và con người song họ lại dùng nó để đưa ra một tuyên bố chính trị".

Bruce Jacobs, giáo sư nghiên cứu Đông Á thuộc đại học Monash của Australia, nói rằng bản đồ trên hộ chiếu mới cho thấy Trung Quốc ngày càng quyết tâm tuyên bố chủ quyền các vùng đang tranh chấp. Nó cũng cho thấy nước này thiếu những thể chế giám sát các quyết định liên quan đến chính sách đối ngoại.

Zha Daojiong, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, nói rằng khó có thể lý giải được nguyên nhân thực sự khiến các nhà chức trách Trung Quốc quyết định in bản đồ lên hộ chiếu.

"Chúng tôi có các cơ quan khác nhau, các cá nhân khác nhau", ông nói. "Một số người cho rằng việc này là rất tốt, nhưng trên thực tế có thể không phải luôn là như vậy".

Theo các chuyên gia và giới chức khu vực, cuộc tranh cãi về bản đồ mới không thể gây ra thiệt hại gì to lớn đến quan hệ giữa Trung Quốc và các láng giềng châu Á.

Tuy nhiên, động thái này cho thấy những căng thẳng bắt nguồn từ sự trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc, cũng như thái độ ngày càng quyết liệt của nước này với các quốc gia có cùng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

Theo Anh Ngọc
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.