Bà Haze Fan, công dân Trung Quốc làm việc cho Bloomberg, hãng tin có trụ sở tại TP New York, Mỹ, bị bắt từ tuần trước, với cáo buộc gây đe dọa cho an ninh quốc gia.
Đây là một trong hàng loạt vụ bắt giữ hoặc trục xuất các nhà báo khỏi Trung Quốc trong năm nay.
Sau vụ việc mới nhất này, Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng thúc giục Trung Quốc thả tất cả các nhà báo bị bắt giữ vì hoạt động đưa tin.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 12/12, EU nói rằng họ hy vọng giới chức Trung Quốc để cô Fan “được hỗ trợ y tế nếu cần thiết, được tiếp cận luật sư theo ý muốn, và tiếp xúc với gia đình”.
Câu lạc bộ các phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc (FCCC) cũng bày tỏ tình đoàn kết, nói rằng báo chí quốc tế phụ thuộc vào các đồng nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại EU hôm qua đã đáp trả, nói rằng bà Fan “bị nghi ngờ tham gia các hoạt động tội phạm gây đe dọa cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, và gần đây bị Cục an ninh nhà nước Bắc Kinh áp dụng biện pháp bắt buộc theo quy định của pháp luật”.
Trên tài khoản WeChat, Đại sứ quán Trung Quốc nói rằng vụ việc đang điều tra theo quy định của pháp luật và các quyền của bà Fan được bảo đảm đầy đủ. Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định đây “hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, và không quốc gia hay tổ chức nào có quyền can thiệp.
Bà Fan làm việc cho Bloomberg từ năm 2017, trước đó từng làm cho Reuters, CNBC, Al Jazeera và CBS News.
Bà Fan không phải nhà báo đầu tiên bị giới chức Trung Quốc nhắm đến. Đầu năm nay, Trung Quốc trục xuất các nhà báo của 3 báo hàng đầu của Mỹ gồm New York Times, Washington Post và Tạp chí Phố Wall khi quan hệ với Mỹ xấu đi.
Tháng 8 năm nay, chính quyền Bắc Kinh bắt công dân Úc gốc Trung Quốc Cheng Lei, nhà báo đang làm việc cho đài CGTN vì lý do an ninh quốc gia. Đến tháng 9, hai nhà báo Úc đột ngột rời khỏi Trung Quốc sau khi bị Bộ Công an Trung Quốc thẩm vấn.