Ra đời từ những năm 1970 sau hàng loạt thử nghiệm quy mô địa phương trước khi trở thành chính sách quốc gia, chính sách hạn chế sinh đẻ ở Trung Quốc về cơ bản đã thay đổi cấu trúc xã hội. Chính phủ nước này nói rằng chính sách 1 con đã ngăn chặn 400 triệu ca sinh, nhưng giới học giả cho rằng con số này quá cao, vì tỷ lệ sinh thường giảm dần dù chính phủ không can thiệp gì, do đời sống khá lên, nhận thức cao hơn và phụ nữ tham gia vào lực lượng sản xuất.
Bất chấp nguy cơ bị phạt, bị ép phá thai, bị mất việc làm nhà nước, một số cặp vợ chồng Trung Quốc vẫn chọn cách sinh thêm con. Chưa có số liệu đáng tin cậy về số lượng trẻ em được sinh trái phép từ khi chính phủ bắt đầu hạn chế số lượng con, nhưng các chuyên gia cho rằng phải có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đứa trẻ như vậy.
Các nhà làm chính sách Trung Quốc hiện nay đang gặp thách thức phải đảo ngược tác động của chính sách 1 con sau thời gian dài áp dụng, trong bối cảnh dân số già hóa và số lượng phụ nữ ít hơn đàn ông 30 triệu người. Năm 2016, chính phủ thông báo áp dụng chính sách 2 con và dần dần bỏ hoàn toàn giới hạn.
Ủy ban y tế quốc gia bỏ cụm từ “kế hoạch hóa gia đình” khỏi tên gọi của họ kể từ tháng 3 năm ngoái, còn quốc hội Trung Quốc loại bỏ luật về quy mô gia đình khỏi dự thảo bộ luật dân sự dự kiến thông qua vào năm 2020.
Trong bối cảnh đó, một số người có cuộc sống bị thay đổi vĩnh viễn vì chính sách 1 con đã bắt đầu mở lời để kể câu chuyện số phận của mình.
Bố mẹ và con như người xa lạ
Chị Xie Xianmei, 28 tuổi được sinh ra ở tỉnh Tứ Xuyên sau khi bố mẹ chị đã có 1 con. Chị ra đời chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh cảnh báo các quan chức địa phương rằng kiểm soát dân số sẽ là chỉ số quan trọng để đánh giá kết quả công tác của họ. Chính quyền địa phương đưa ra cho bố mẹ chị 2 lựa chọn: chịu phạt 8.500 tệ (hơn 28 triệu đồng) – cao gấp 12 thu nhập trung bình của người dân nông thôn Trung Quốc vào thời điểm đó, hoặc cho con đi.
Kết quả là vừa mới ra đời, chị Xie đã bị trao cho một ông bố đơn thân, người đồng ý trả 200 tệ - số tiền có được sau khi bán 2 con lợn.
Xie sống vất vả trong gia đình mới và bị người làng trêu trọc là “đứa bé nhặt được”. Xie bỏ học năm 14 tuổi và bắt đầu làm nhiều công việc trên khắp cả nước, từ giữ nhà đến giám sát xưởng may legging. Năm 2013, chị quyết định tìm lại bố mẹ ruột ở Dazhou, Tứ Xuyên, sau khi xem một chương trình truyền hình về cảnh đoàn tụ gia đình rất cảm động. “Tôi có bị bỏ rơi hay không? Tôi rất muốn biết câu trả lời”, chị nói.
Nhưng biết câu trả lời đó chị lại có nỗi sợ khác: chị không có cảm giác yêu thương, gần gũi với mẹ mình, ngay cả khi cùng sống trong 1 thành phố. “Chúng tôi giống như người xa lạ, và chúng tôi không có gì nhiều để nói với nhau”, chị Xie nói. Giờ chị là một bà nội trợ và đã có cậu con trai 1 tuổi.
“Cuộc sống có thể đã khác hoàn toàn nếu tôi lớn lên với gia đình mình. Đối với mẹ đẻ của tôi hiện nay, tôi chỉ là người ngoài”, chị nói.
Mất việc vì con thứ hai
Còn đối với anh Guo Chunping, quyết định sinh con thứ hai khiến anh mất đi sự nghiệp.
Từng là công chức nhà nước ở tỉnh Giang Tây, anh Guo, 42 tuổi, quyết định có con thứ hai sau khi đọc được câu chuyện về một cặp vợ chồng đã đau khổ và khó khăn như thế nào sau khi đứa con duy nhất của họ chết. “Tôi tự nghĩ: Tôi sẽ ra sao nếu điều gì đó xảy ra với con gái mình?” anh nói.
Ngay cả sau khi vợ chồng anh sinh con gái thứ hai, các cán bộ kế hoạch hóa gia đình địa phương vẫn giục họ chấm dứt thai kỳ.
Phá thai là lựa chọn phổ biến khi chính sách một con được áp dụng, khi nhiều cặp vợ chồng lựa chọn bỏ thai nếu siêu âm thấy con gái, còn nhiều cặp vợ chồng khác phải phá thai nếu họ không thể trả tiền phạt.
Không chỉ phải trả tiền phạt 124.000 tệ (hơn 420 triệu đồng), anh Guo còn bị mất việc ở sở tài chính. Anh chuyển sang nghề dạy học tại một trường cấp 2, với mức lương ít hơn cũ 40%.
Trong mấy chục năm qua, rất nhiều công chức Trung Quốc bị phạt vì vi phạm chính sách 1 con. Tại 9 tỉnh, công chức có nhiều hơn 2 con vẫn có nguy cơ bị đuổi việc, ngay cả khi chính sách này được nới lỏng từ năm 2016.
Darry Chen là một trong những “đứa trẻ vỡ kế hoạch” mà bố mẹ phải gửi họ hàng hoặc hàng xóm nuôi để tránh bị phạt. Chen sống nhiều năm với gia đình chị gái của ông nội ở tỉnh Quảng Đông mà không biết rằng “chú và dì” thường đến từ Thâm Quyến để thăm mình thực ra là bố mẹ đẻ.
Khi Chen lên 6, bố mẹ cậu tiết lộ sự thật và đón cậu về thành phố. Nhưng cậu và bố mẹ rất khó khăn khi điều chỉnh cuộc sống. “Tôi cảm thấy mình như khách. Tôi không thoải mái khi nói chuyện. Tôi luôn sợ khi làm gì sai”, Chen kể.
Giờ đã là một sinh viên tốt nghiệp ngành phim tài liệu của ĐH nghệ thuật London, Chen nói rằng cậu rất muốn kể câu chuyện của mình. Cậu chia sẻ trong một nhóm mang tên “Đứa trẻ bí mật” trên mạng xã hội Zhihu và làm một phim tài liệu dài 15 phút về những cuộc phỏng vấn bố mẹ đẻ và gia đình nuôi của mình. Dù đăng đoạn phim lên mạng nhưng cậu hạn chế đối tượng xem vì bố mẹ cậu vẫn làm cho nhà nước.
“Câu chuyện của chúng tôi nên được kể ra. Không có thế hệ nào trước đây hoặc sau này phải trải qua điều đó. Tôi không chỉ trích chính sách hay đổ lỗi cho chính phủ, mà chỉ muốn ghi lại hiện tượng này trong một thời đại cụ thể”, Chen nói.