Các quan chức Trung Quốc đã đưa ra thông điệp này trong các cuộc họp kín, như một phần trong những nỗ lực nhằm siết chặt quản lý và khiến các tỷ phú trở nên “yêu nước hơn”, Reuters dẫn thông tin từ 3 lãnh đạo công ty bất động sản và một cố vấn của chính quyền cho biết.
“Luật chơi đã thay đổi”, đó là điều họ được thông báo. Bắc Kinh sẽ không chấp nhận “hành vi độc quyền” nữa, nguồn tin tiết lộ.
Đối với các hãng bất động sản lớn ở Hong Kong, điều đó sẽ là sự thay đổi lớn. Các công ty lâu nay dùng quyền lực vượt trội của họ để tham gia vào hệ thống chính trị hỗn hợp của thành phố, góp phần vào việc lựa chọn lãnh đạo, định hình chính sách và gặt hái từ hệ thống đấu giá đất để giữ nguồn cung ở mức thấp và giá nhà ở mức đắt nhất thế giới.
Ảnh hưởng của 4 tập đoàn lớn, gồm CK Asset, Henderson Land Development, Sun Hung Kai, và New World Development còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Ông Lý Gia Thành, người giàu nhất nhất Hong Kong, là chủ của CK Assets, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, siêu thị, nhà thuốc và các dịch vụ cơ bản.
Vì các ông trùm như Lý Gia Thành có mối quan hệ mật thiết với nền kinh tế và chính trị của Hong Kong, nên rất khó để Bắc Kinh gạt họ ra rìa hoàn toàn, CY Leung, cựu lãnh đạo Hong Kong và hiện là phó chủ tịch ban cố vấn của Trung Quốc về đặc khu, cho biết.
“Họ là một thành phần chính trong hệ sinh thái kinh tế và chính trị của thành phố, vì thế chúng tôi cần thận trọng. Tôi nghĩ chúng tôi phải thận trọng với những gì sẽ làm để không hất em bé ra ngoài cùng nước tắm”, Leung nói với Reuters.
Một số quan chức và báo chí Trung Quốc đổ lỗi cho các tỷ phú góp phần gây ra những cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019 mà một phần nguyên nhân được cho là do giá nhà quá cao. Những cuộc biểu tình thu hút hàng triệu người thuộc mọi lứa tuổi và thành phần xã hội để đòi hỏi quyền dân chủ lớn hơn và giảm bớt can thiệp của Bắc Kinh vào công việc của Hong Kong.