Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ngày 30/3. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu trước các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp quốc tế, ông Lý nói rằng Trung Quốc có thể trở thành “mỏ neo” cho hòa bình và phát triển của thế giới, sẽ tiếp tục triển khai đổi mới và mở cửa.
“Trong thế giới không chắc chắn này, sự chắc chắn mà Trung Quốc tạo ra là mỏ neo cho hòa bình và phát triển thế giới. Trước đây như vậy và sau này cũng vậy”, ông Lý nói tại diễn đàn được tổ chức ở đảo Hải Nam.
Hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có CEO Apple Tim Cook, CEO HSBC Noel Quinn, nhà sáng lập Blackstone Stephen Schwarzman, tham dự diễn đàn. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối phó với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ Mỹ, nhiệm vụ phải khôi phục nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau gần ba năm cách ly vì chính sách "zero COVID".
Các lãnh đạo chính trị dự diễn đàn gồm có Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, người dự kiến sẽ trở thành chủ tịch Liên minh châu Âu luân phiên trong tháng 7, và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cũng có bài phát biểu trong sáng 30/3 về sự cần thiết phải hợp tác và đoàn kết để vượt qua nhiều vấn đề về gián đoạn thương mại và tìm giải pháp để “tiếp thêm sinh lực cho thương mại quốc tế theo cách công bằng và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng”.
Dù số liệu kinh tế của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay ở mức yếu, Thủ tướng Lý khẳng định Trung Quốc đang hồi phục sau khi kết thúc chính sách zero COVID.
Trung Quốc sẽ tiếp tục “theo đuổi tiến bộ đồng thời duy trì ổn định, củng cố và mở rộng động lực hồi phục và thúc đẩy cải thiện liên tục hiệu quả kinh tế”, ông Lý nói.
Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 3% năm 2022, yếu nhất trong mấy thập kỷ, ngoại trừ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 gây gián đoạn kinh tế và xã hội.
Thủ tướng Lý khẳng định, Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục cải cách và mở cửa, bất chấp diễn biến của tình hình quốc tế.
Ông cũng tuyên bố, Trung Quốc phản đối “bảo hộ thương mại” và “chia tách”, ngụ ý nhắc đến những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc trong một số lĩnh vực chìa khóa như công nghệ.
Dù ông Lý nỗ lực trấn an các nhà đầu tư, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt thách thức, như tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tỷ lệ sinh thấp, khủng hoảng bất động sản, nỗ lực cô lập của Mỹ và các đồng minh.
Nick Marro, chuyên gia phân tích thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, cho rằng những khó khăn đó sẽ gây ra thách thức mà Trung Quốc phải vượt qua để khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Rõ ràng các lãnh đạo cấp cao thực sự muốn thuyết phục thế giới rằng Trung Quốc đã trở lại, và Trung Quốc mở cửa. Tuy nhiên, ông Lý Cường gặp khó khăn trong nỗ lực truyền đi thông điệp đó, khi số liệu kinh tế gần đây yếu, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài suy giảm, quan ngại về đường hướng chính sách và những mối bận tâm chính trị liên quan đến quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc với Nga”, Marro nói với Al Jazeera.