Dù số ca mắc tương đối thấp so với nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng giới chức địa phương nói rằng cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo đảm dịch bệnh không lan rộng vì Quảng Đông là cửa ngõ của đất nước và là tuyến phòng thủ đầu tiên.Tỉnh với 126 triệu dân này không tạo cơ hội nào cho virus corona lây lan, dù có phải xét nghiệm cho cả chục ngàn người và đưa hàng ngàn người vào khách sạn để cách ly, theo China Daily.
Trung Quốc đang thực hiện chính sách không khoan nhượng với COVID-19, dựa vào các biện pháp kiểm soát xã hội chặt chẽ và sàng lọc quy mô lớn. Cách làm này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.
Tuy vậy, hơn 1 năm sau khi đóng cửa biên giới lần đầu tiên, Trung Quốc giờ đang đối mặt với tình thế khó xử, giữa một bên là đóng cửa và chịu những tổn thất nặng nề trong thương mại và đi lại quốc tế, với một bên là mở cửa và chịu rủi ro bị dư luận chỉ trích nếu bệnh tràn vào từ bên ngoài.
Ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, biện pháp không khoan nhượng giúp hạn chế số ca tử vong và bảo đảm các hoạt động phục hồi kinh tế. Cách làm này đòi hỏi phải hy sinh nhiều tự do cá nhân, như quyền đi lại và làm những việc hằng ngày, để có thể hạn chế dịch bệnh bùng lên.
Sau khi khống chế được đại dịch, đến tháng 4 năm ngoái, người dân Trung Quốc bày tỏ sự tin tưởng vào chính phủ sau khi so sánh các biện pháp kiểm soát chống dịch trong nước với cách làm của Mỹ, theo khảo sát của Đại học York ở Canada. Nhưng sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính sách không khoan nhượng kết hợp với hy sinh quyền tự do cá nhân có nghĩa là bất kỳ sự nới lỏng hạn chế nào cũng có thể khiến Bắc Kinh phải trả giá về chính trị.
“Chính sách này tạo nên lực lượng phản đối thay đổi vì liên quan đến nhiều lợi ích chính trị, kinh tế, tâm lý, dịch tễ và đối ngoại. Lực lượng đó ủng hộ điều họ gọi là thành tựu rất khó khăn mới đạt được”, Huang Yanzhong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại ở Mỹ, nói với báo South China Morning Post.
Ông Nicholas Thomas, phó giáo sư chuyên về an ninh y tế tại Trường Đại học Hong Kong, nói rằng bất kỳ thay đổi chính sách nào cũng phụ thuộc vào ý chí chính trị.
Vắc-xin không phải tất cả
Giống như nhiều quốc gia, Trung Quốc đã bắt tay vào chương trình tiêm chủng hàng loạt với hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng. Tính đến ngày 15/6, Trung Quốc đã tiêm 924 triệu liều vắc-xin COVID-19.
Một số nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU) đang nới lỏng hạn chế cho người nước ngoài đã tiêm vắc-xin. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ chịu nhiều sức ép hơn về việc phải thay đổi chính sách không khoan nhượng, nếu doanh nghiệp và ngành thương mại ở các nước hưởng lợi từ chính sách mở cửa trở lại, nhất là ở Mỹ.
“Vì sao bạn tự hào với chính sách của mình như vậy? Vì sự thất bại của Mỹ. Nhưng nhờ chương trình vắc-xin, Mỹ đã có thể khống chế virus và cuộc sống đang trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách không khoan nhượng và tiếp tục đóng cửa biên giới, bạn sẽ thấy sự tương phản giữa hai nước. Người dân khi đó lại chất vấn chiến lược kiểm soat dịch của chính phủ Trung Quốc”, ông Thomas nói.
Ông Mary-Louise McLaws, một giáo sư về dịch tễ tại Trường Đại học New South Wales (Úc), đồng ý rằng chính sách không khoan nhượng chỉ phù hợp với các nước ở giai đoạn đầu, khi còn chưa biết nhiều về tác động của virus. Nhưng khi virus tiếp tục biến thể, ông GS McLaws cho rằng lây nhiễm là điều không thể tránh khỏi khi biên giới được mở trở lại.
Đối với Trung Quốc, hiện nay không có đủ ca bệnh để phân tích xem các vắc-xin của họ có tác dụng như thế nào trên thực tế, ông Feng Zijian, Phó Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, nói tại một hội nghị ở Thanh Đào đầu tháng này. Ông Feng nói rằng ngay cả khi 60-80% dân Trung Quốc được tiêm vắc-xin thì vẫn có khả năng dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nếu Trung Quốc mở cửa biên giới vào lúc này.