Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời khó

Công nhân dệt may Trung Quốc Ảnh: longreads.com
Công nhân dệt may Trung Quốc Ảnh: longreads.com
TP - Chính phủ Trung Quốc hôm qua nói sẽ hỗ trợ tài chính để giúp doanh nghiệp đang gặp khó trả lương nhân viên và chi phí  trong thời gian nền kinh tế đang vật lộn vì căng thẳng thương mại.  

Công ty nào không cắt giảm nhân sự hoặc không cắt giảm công việc trong kế hoạch năm tới sẽ được chính phủ hoàn trả một nửa phí bảo hiểm thất nghiệp, Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo trên website.

Nhân dịp này, chính phủ Trung Quốc cũng thúc giục toàn xã hội “chú ý” nhiều hơn đến tác động từ áp lực kinh tế ngày càng gia tăng đối với công ăn việc làm. Chính phủ cũng sẽ có trợ cấp dành cho công nhân thất nghiệp, những người đang trải qua quá trình đào tạo lại nghề nghiệp, Reuters trích thông cáo của Quốc vụ viện Trung Quốc cho hay. 

Hồi đầu tháng 11, Trung Quốc nói sẽ thực hiện các bước đi nhằm thúc đẩy công ăn việc làm, nhưng không nói chi tiết về biện pháp.

Trong một số tháng gần đây, trước tình hình kinh tế phát triển chậm lại, các quan chức Trung Quốc đã cam kết giảm thuế doanh nghiệp theo nhiều hình thức, bao gồm cắt giảm các khoản đóng góp an ninh xã hội, bên cạnh đó là các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh, lợi nhuận và tuyển dụng lao động.

Các cuộc thăm dò gần đây đều cho kết quả là rất có thể sẽ có các đợt cắt giảm việc làm ở khối sản xuất, trong khi chính quyền ở Bắc Kinh muốn giữ công ăn việc làm của người dân ổn định trong khi căng thẳng thương mại với Mỹ khiến tương lai công việc của nhiều người lao động trở nên bấp bênh.

“Hãy kiên nhẫn”

Trong  khi lo lắng về tình hình công ăn việc làm của người lao động, chính phủ Trung Quốc vẫn tỏ ra rất thận trọng trong các bước đàm phán với phía Mỹ. Thậm chí, có chuyên gia nói “kín tiếng” và “kéo dài thời gian” chính là một “chiêu thức” trong đàm phán của Bắc Kinh.

Hôm qua Trung Quốc đưa ra lời hứa sẽ thực thi “việc ngừng tăng thuế” cam kết với Mỹ nhưng không đưa ra chi tiết. Và Bắc Kinh cũng chưa xác nhận tuyên bố của ông Trump rằng Trung Quốc đã cam kết cắt giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu và mua thêm nông sản Mỹ.

“Trung Quốc sẽ bắt đầu thi hành một số việc cụ thể  (mà đôi bên) đã đạt đồng thuận, và càng sớm càng tốt”, Bộ Thương mại Trung Quốc nói trên website.

Theo cơ quan này, hai bên đã có một “thời gian biểu và lộ trình rõ ràng” về việc đàm phán, nhưng không nói thêm chi tiết.AP nói Bộ Thương mại Trung Quốc không trả lời điện thoại hay fax.

Sự kín tiếng của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều câu hỏi rằng những gì ông Trump nói có phải là lời hứa của Trung Quốc hay không.

Hôm thứ Hai, chứng khoán Mỹ tăng điểm khi các quan chức Mỹ hồ hởi về kết quả đàm phán, như thể đó là một đột phá lịch sử. Nhưng các sàn đã đồng loạt chuyển sang màu đỏ vào hôm thứ Ba khi ông Trump nói trên Twitter rằng chính ông sẽ trở thành “cán bộ thuế” (tariff man) và đe dọa các biện pháp trừng phạt mới.

“Hãy kiên nhẫn”, Mã Hồng, chuyên gia về thương mại tại đại học tổng hợp Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói. Ông Mã cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc đã đúng khi tỏ ra thận trọng đi vào chi tiết các nội dung dễ gây tranh cãi.

Việc chậm phát ngôn “không phải là dấu hiệu phản đối, mà là sự thận trọng”, ông Mã nhận định.
Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, Trung Quốc thường sử dụng chiêu trì hoãn nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để gây sức ép với đối thủ nhằm giành lợi thế trong đàm phán.

Ngay cả đối với các vấn đề thường nhật, giới chức Trung Quốc vẫn thường “buộc” đối thủ đàm phán phải đợi vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng mới trả lời.

MỚI - NÓNG