Trung Quốc đang đóng thêm 36 tàu hải giám?

Trung Quốc đang đóng thêm 36 tàu hải giám?
Nhật Bản tăng cường tuần tra Senkaku/Điếu Ngư đồng thời nhận định rằng Trung Quốc đang đóng thêm 36 tàu hải giám.

> Tàu Trung Quốc tiếp tục vào lãnh hải Nhật Bản
> Tàu ngư chính lớn nhất Trung Quốc làm gì gần Senkaku?

Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc (SOA) sẽ đưa vào hoạt động 36 tàu hải giám cỡ lớn trước năm 2014. Đây là nhận định trong “Báo cáo An ninh Trung Quốc 2012” của Viện Nghiên cứu quốc phòng (NIDS) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, theo trang tin Wantchinatimes.com ngày 24.12.

Báo cáo suy đoán việc Trung Quốc đóng thêm tàu hải giám nhằm tăng cường hoạt động ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể triển khai các tàu hải giám mới hoạt động trong phạm vi rộng hơn, chẳng hạn ở biển Đông. Hồi tháng 7, Trung Quốc đã đưa 4 tàu hải giám tuần tra trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Báo cáo của NIDS cũng chỉ ra rằng tính đến tháng 11.2012, SOA sở hữu 10 trực thăng và 29 tàu tuần tra cỡ lớn, với độ choán nước hơn 1.000 tấn.

Nhà nghiên cứu Masayuki Masuda tại NIDS cho rằng tăng cường tuần tra là một phần trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm thách thức và chấm dứt sự kiểm soát của Nhật đối với Senkaku/Điếu Ngư.

Trước tình hình này, cảnh sát biển Nhật Bản quyết định điều 40 tàu tuần tra lớn tới phụ trách giám sát quần đảo trên, theo tờ Sankei đồng thời lập đơn vị bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. T

rong khi đó, Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản ngày 24.12 lại phải triển khai chiến đấu cơ để sẵn sàng đối phó sau khi một máy bay Trung Quốc tiếp cận Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, máy bay này đã nhanh chóng rời khỏi và chưa đi vào vùng trời Tokyo tuyên bố chủ quyền, theo Jiji Press.

Cũng trong ngày 24.12, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc công bố Sách vàng tình hình quốc tế năm 2013 cho rằng vấn đề Senkaku/Điếu Ngư khiến quan hệ Bắc Kinh - Tokyo trở nên tồi tệ nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1972.

Sách Vàng cảnh báo rằng không thể loại trừ khả năng căng thẳng tiếp tục leo thang và thậm chí biến thành xung đột, theo Tân Hoa xã.

Hoàn Cầu thời báo thì dẫn lời thiếu tướng Bành Quang Khiêm, Tổng thư ký Ủy ban Chính sách an ninh quốc gia thuộc Hội Nghiên cứu chính sách khoa học Trung Quốc, lên giọng: “Trung Quốc ủng hộ giải quyết tranh chấp qua đối thoại hòa bình, nhưng không có lý do từ bỏ quyền bảo vệ chủ quyền và an toàn bằng quân sự nếu cần thiết. Hòa bình chỉ có thể đạt được bằng sức mạnh”.

Ông Bành là một trong số các sĩ quan Trung Quốc như La Viện, Dương Nghị... thường xuyên có những phát biểu hiếu chiến về tình hình tranh chấp trên biển Đông và Hoa Đông.

Theo Văn Khoa
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG