Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, số lượng xe điện chở khách xuất khẩu trong năm 2021 đã tăng gấp 2,6 lần lên 499.573 chiếc. Đặc biệt, con số này phần lớn đến từ thị trường châu Âu và Đông Nam Á.
Trong khi đó, Đức tăng gấp đôi lượng xuất khẩu lên khoảng 230.000 chiếc, trong khi Mỹ giảm 30% xuống còn 110.000 chiếc còn Nhật Bản tăng 24% lên 27.400 chiếc - theo số liệu do Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức và Hiệp hội Ngoại thương Nhật Bản tổng hợp.
Trung Quốc chiếm 60% tổng sản lượng xe điện toàn cầu và đang nổi lên như là công xưởng sản xuất xe điện trên thế giới với vị thế tương tự như trong ngành sản xuất sản phẩm kỹ thuật số.
Mẫu xe Xpeng P5 tại triển lãm ô tô Thượng Hải năm 2021. |
Trung Quốc vốn từ lâu đã là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, với khoảng 70% sản lượng toàn cầu. Nước này cũng có 60% năng lực sản xuất màn hình tinh thể lỏng trên thế giới được sử dụng trong TV và các sản phẩm khác.
Việc xuất khẩu xe điện sang thị trường EU tăng sau khi khu vực này công bố chính sách cấm bán các loại xe hybrid và xe chạy bằng xăng mới vào năm 2035. Đây là mức tăng đáng kể, gấp 5 lần với 230.000 chiếc, bằng một nửa tổng lượng xe điện xuất khẩu của Trung Quốc. Trong đó, Bỉ nhập khẩu 87.000 chiếc và Vương quốc Anh là 50.000 chiếc.
Nhà máy Tesla tại Thượng Hải. |
Trong số gần 500.000 chiếc xe được xuất khẩu, hơn 100.000 chiếc có nguồn gốc từ nhà máy Tesla ở Thượng Hải.
Tăng trưởng xuất khẩu xe điện của Trung Quốc đã được tạo điều kiện thuận lợi nhờ sự tập trung cao độ vào lĩnh vực này. Đối với pin ô tô, các nhà sản xuất Trung Quốc có đủ khả năng sản xuất trong nước.
"Ở Trung Quốc, chi phí sản xuất thấp hơn khoảng 50% so với các nơi khác trên thế giới, do đó giúp giá thành xe rẻ hơn nhiều", một quan chức tại một nhà sản xuất phụ tùng xe điện của Trung Quốc phát biểu với Nikkei.
Theo nghiên cứu của Nikkei dựa trên dữ liệu từ LMC Automotive, một công ty nghiên cứu của Anh và các nguồn khác, sản lượng xe điện toàn cầu năm 2021 là 3,99 triệu chiếc. Trung Quốc chiếm 57,4% tổng số, châu Âu và Mỹ lần lượt là 22% và 12%, trong khi Nhật Bản chỉ chiếm 0,9%.
Mẫu xe Nio ES6 chạy hoàn toàn bằng điện. |
Li Bin, giám đốc điều hành của Nio, một nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, cho biết: “Khách hàng Na Uy rất yêu thích xe điện của chúng tôi và điều này đã giúp hãng đủ tự tin để gia nhập thị trường toàn cầu”.
Nio đã ra mắt mẫu xe thể thao chạy điện đa dụng tại Na Uy vào tháng 9 năm ngoái và có kế hoạch mở rộng sang Đức, Hà Lan và các nước khác trong năm nay.
Tham vọng của Trung Quốc còn mở rộng sang Đông Nam Á, từ lâu đã là thành trì của ô tô Nhật Bản. SAIC Motor, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, đã nắm giữ 50% thị phần xe điện Thái Lan. Mẫu xe hàng đầu của hãng, MG EP, có giá khoảng 1 triệu baht (30.139 USD) - thấp hơn khoảng 30% so với giá khuyến mại của Leaf EV đến từ Nissan Motor.
SAIC Motor đang phát triển cơ sở hạ tầng cho trạm sạc của mình ở Thái Lan và đã lắp đặt bộ sạc nhanh tại hơn 120 địa điểm, bao gồm cả các đại lý, để tạo điều kiện nạp điện trong phạm vi 150 km.
Trong khi đó, các công ty đến từ châu Âu cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ để chiếm lĩnh thị phần. Volkswagen thông báo sẽ tăng công suất sản xuất pin và xây dựng sáu nhà máy ở châu Âu vào năm 2030.
Ở một chiều hướng khác, nhiều nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đang bị tụt lại phía sau khi họ phát triển mạng lưới cung ứng của riêng mình. Mặc dù Toyota Motor đã nói rằng họ có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Mỹ, nhưng công ty vẫn cung cấp pin phần lớn đến từ một đối tác sản xuất ở Trung Quốc.