Trung Quốc: Chồng bí thư bán chức, vợ công an thu tiền

Quan tham Lưu Trinh Kiên.
Quan tham Lưu Trinh Kiên.
Báo Pháp chế Buổi chiều của Trung Quốc hôm 25/2 đã đăng bài nói về vụ án mua bán chức vụ cực kỳ nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Sơn Đông.

Theo báo trên, Lưu Trinh Kiên, nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Mặt trận Thị ủy Hà Trạch ngày 15/4/2015 đã bị nhận án tù chung thân, bị tịch thu tài sản cá nhân về tội nhận hối lộ, mua quan bán chức, nhất là trong thời gian làm lãnh đạo ở huyện Cự Dã.

“Muốn thăng quan, tìm chị cả”

Cáo trạng của tòa án cho biết, trong thời gian làm Bí thư Huyện ủy Cự Dã, Phó thị trưởng Hà Trạch (từ 2007 đến 2012), Kiên đã nhận hối lộ của cả thảy 44 người số tiền 8,85 triệu Nhân dân tệ (31 tỷ VND), trong đó có 3 khoản 1,18 triệu tệ liên quan đến việc làm ăn của các công ty, xí nghiệp. Số còn lại đều là nhận tiền của cấp dưới để bổ nhiệm, đề bạt họ…

Trong số 44 người trên, có tới 41 người đưa hối lộ cho Kiên để được đề bạt. Kiên đã nhận hối lộ 114 lần của nhóm này, với tổng số tiền lên đến 7,39 triệu Nhân dân tệ (25 tỷ 865 triệu VND). Chỉ riêng năm 2011, Kiên đã nhận hối lộ hơn 4,7 triệu Nhân dân tệ. Bình quân mỗi ngày, Kiên bỏ túi 13.000 Nhân dân tệ (tương đương với 45,5 triệu VND). Nghiêm trọng hơn, trong số những kẻ mua chức này, có 13 người đã dùng tiền công rồi bắt nhân viên tài chính thanh quyết toán vào việc khác.

Một điều nực cười, là bất cứ việc gì Kiên cũng đem bàn với vợ Giang Anh Quyên - Phó công an huyện và giao việc nhận tiền hối lộ cho vợ. Vì thế, trong giới quan chức huyện này lan truyền câu “muốn thăng quan, tìm chị cả”.

Trong số các quan tham đã mua chức từ Kiên, có 7 người là cán bộ lãnh đạo huyện, 10 người là phụ trách chủ yếu các cơ quan ban ngành, 17 trong số 18 bí thư đảng ủy các xã, thị trấn.

Trung Quốc: Chồng bí thư bán chức, vợ công an thu tiền ảnh 1

Giang Anh Quyên, vợ của Kiên.

Ra hẳn quy tắc nhận hối lộ

Trang web chính thức của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, đối với những người dùng tiền mua chức vụ, Kiên bàn và thống nhất với vợ nguyên tắc: “Giúp được ai mới nhận tiền, không giúp được thì không nhận, chỉ nhận tiền của những cán bộ có năng lực có khả năng đề bạt”. Số tiền vợ chồng Kiên không nhận cũng lên tới 10 triệu Nhân dân tệ (35 tỷ VND).

Năm 2009, lãnh đạo các xã trong huyện có đợt điều chỉnh, chức Bí thư thị trấn Điền Kiều – nơi tiềm lực kinh tế mạnh nhất, là “miếng mồi” béo bở để nhiều người nhòm ngó, muốn chiếm lấy. Trong số các ứng viên có Khổng Khánh Quốc, lãnh đạo một thị trấn khác (sau này Quốc phải nhận án tù 17 năm rưỡi về tội tham ô, đưa hối lộ…)

Một hôm vào tháng 2/2009, Quốc đem túi đựng 30 nghìn Nhân dân tệ và 2 cây thuốc lá đến phòng làm việc của Kiên, để xin chức Bí thư Điền Kiều. Không ngờ Kiên nói thẳng: “Không chỉ mỗi mình anh đủ điều kiện, đừng chạy chức kiểu này, anh mang về đi!”

Không phải Kiên không muốn nhận, mà các nhân viên thấy có người mang túi vào phòng bí thư nhưng ra tay không sẽ lộ chuyện nhận hối lộ. Mặc dù không nhận tiền hôm đó, nhưng Kiên rất ấn tượng với Quốc nên vẫn sắp xếp cho chức Bí thư thị trấn Điền Kiều. Vừa ngồi vào ghế, Quốc đã nhớ đến câu “Muốn thăng quan, tìm chị cả”, biết mình “có ơn phải trả”, nên mang thẻ rút tiền 60 nghìn Nhân dân tệ đến biếu Quyên.

Tổng cộng Quốc đã đưa Quyên 6 lần, với tổng số tiền là 1,1 triệu Nhân dân tệ, trong đó lần đưa nhiều nhất là 500.000 Nhân dân tệ. Toàn bộ số tiền này, Quốc đều lấy từ ngân sách nhà nước. Sau này, khi Quốc bị bắt trong một vụ án kinh tế khác đã khai ra chuyện mua chức từ vợ chồng Kiên – Quyên, từ đó chuyện bán chức mới dần bị cơ quan chức năng phanh phui.

Trung Quốc: Chồng bí thư bán chức, vợ công an thu tiền ảnh 2 Kiên trước vành móng ngựa.

Đầu năm 2010, Kiên nhận lời giúp Tiêu Kế Dân - Bí thư thị trấn Long Cố thăng tiến. Dân đã đưa cho Quyên 200 nghìn Nhân dân tệ. Sau đó, Kiên tiến cử Dân với Thị ủy Hà Trạch (cấp trên của huyện Cự Dã), để Dân vào Ban thường vụ huyện ủy. Tiếp đó, thị ủy đã ra quyết định bổ nhiệm Dân làm Ủy viên Thường vụ kiêm Bí thư Chính pháp huyện Cự Dã…

Theo lời khai của nhiều người, trong thời gian Kiên làm Bí thư Cự Dã, Quyên đã nghiễm nhiên trở thành “Trưởng ban tổ chức ngầm”. Bà ta thường cố ý “thả câu” ở những nơi phù hợp, để những người lọt tầm ngắm cảm thấy cơ hội thăng tiến đã tới, như tại một bữa tiệc tháng 6/2011, Quyên nói với Vương Quảng Đức (Chủ tịch thị trấn Doanh Lý) rằng, “chú năng lực tốt, để anh nhà chị lo liệu cho…”.

Hiểu ý “chị cả”, Đức đã 2 lần đem 600 nghìn Nhân dân tệ biếu Quyên. Đến tháng 9/2011, Đức được ngồi vào ghế Bí thư Đảng ủy thị trấn.

Dần dần, chuyện biếu tiền mua chức đã trở thành “bí mật bán công khai”, nhiều chức vụ ở huyện này được “áp giá”: Chủ tịch (xã, trấn trưởng) từ 50 đến 100 nghìn Nhân dân tệ; bí thư từ 100 – 200 nghìn; trưởng ban, ngành 200 nghìn. Một người gật đầu ở cơ quan, một người nhận tiền tại nhà, cặp vợ chồng Kiên - Quyên đã trở thành “cửa hàng vợ chồng bán chức”, chà đạp mọi kỷ cương, quy định.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.