Trung Quốc, Ấn Độ cùng mua tiêm kích tàng hình Su 57 của Nga?

Su-57
Su-57
TPO - Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ và Algeria là những khách hàng tiềm năng.

Tiêm kích Su-57 đã đi vào sản xuất loạt và bắt đầu được giao cho Không quân Nga trong năm 2019, nhà sản xuất Sukhoi cũng công bố biến thể xuất khẩu của dòng máy bay thế hệ 5 chủ lực của Nga tại triển lãm hàng không MAKS 2019 vừa qua.

Tổng hợp các tin tức trong thời gian qua về những nỗ lực của công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexpor, tác giả Mark Episkopos của National Interest lên danh sách những khách hàng tiềm năng nhất của dòng tiêm kích mới nhất đến từ Nga, được xem là đối thủ của F-22 hay F-35 của Mỹ.

Myanmar: Gần đây đại sứ Myanmar tại Nga Ko Ko Shein thông báo với Moscow chính phủ Myanmar đang quan tâm đến việc mua Su-57. Trước đó Myanmar đã ký hợp đồng với Rosoboronexport để thay thế phi đội MiG-29 già nua của họ bằng các máy bay Su-30SM Flankers. Trước đó, một bài phân tích trên National Interest nhận định rằng, sử dụng các linh kiện đắt đỏ hơn Su-30, Su-57 đương nhiên khiến Myanmar phải móc hầu bao nhiều hơn. Và chính phủ Nga sẵn sàng “bán thiếu” Su-57 trong ngắn hạn để “gieo mầm” cho một nền tảng xuất khẩu đầy lợi nhuận về sau. Mặc dù không phù hợp với hoạt động chống phiến quân, các máy bay Su-57E sẽ giúp Myanmar bù đắp rất đáng kể sự thiếu hụt năng lực đối không.

Algeria: là một sức mạnh quân sự đáng kể ở Bắc Phi, Algeria là nhà nhập khẩu vũ khí Nga quan trọng. Quân đội Algeria được cho là đã đặt mua 4 tổ hợp phòng không S-400 từ năm 2015. Không quân Algeria vận hành phi đội toàn là máy bay Liên Xô/Nga sản xuất. Nga cũng coi Algeria là khách hàng tiềm năng của Su-57 từ năm 2018. Quân đội Algeria đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến tiêm kích Su-35, có nghĩa là họ cũng sẽ quan tâm đến Su-57E (phiên bản xuất khẩu) nếu có giá cả tương đương.

Thổ Nhĩ Kỳ: Từ chối F-35 của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể là khách hàng của Su -57. Tuy nhiên gần đây Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dã tiến gần đến hợp đồng mua bán Su-35 nên Su-57 chưa chắc được Thổ Nhĩ Kỳ mua, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Nhưng quan hệ Nga-Thổ đang ấm lên và mọi chuyện có thể diễn ra trong tương lai.

Trung Quốc và Ấn Độ: Hai đối thủ tiềm tàng này đang có khả năng cùng trở thành khách hàng của Su-57E. Mặc dù có nhiều tin tức nói không quân Trung Quốc sẽ không mua Su-57, nhưng điều đó không cản trở Rosoboronexport tiếp bước sau thương vụ bán Su-35 cho Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc ít nhất cũng có thể mua một số Su-57 để huấn luyện và phục vụ “mục đích nghiên cứu kỹ thuật”.

Còn về Ấn Độ, mặc dù năm 2018 rút ra khỏi chương trình cùng phát triển biến thể Su-57, các bình  luận gần đây của Tổng tham mưu trưởng Không quân Birender Singh Dhanoa cho thấy họ đang “chờ xem”, và có thể sẽ quay lại liên kết với Nga sản xuất hoặc mua Su-57, cho dù còn quá sớm để chắc chắn.

MỚI - NÓNG