> Ông Abe muốn liên minh Nhật-Mỹ mạnh nhất
> Philippines - Nhật hợp tác hàng hải
> TQ bác bỏ đề xuất Senkaku là di sản thế giới
Gây sự - bóp méo
Theo Tân Hoa xã, trong cuộc phỏng vấn trên tờ Washingtonpost (Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát biểu rằng Trung Quốc đang có nhu cầu “thâm căn cố đế” trong việc gây sự với Nhật Bản và một số nước láng ghiềng châu Á.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong ngày 21 - 2 đã bày tỏ sự phẫn nộ trước phát biểu này của thủ tướng Shinzo Abe và yêu cầu Nhật Bản phải làm rõ phát biểu này.
“Trung Quốc vô cùng ngạc nhiên trước phát biểu này. Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản giải thích rõ phát biểu này”, dẫn lời người phát ngôn Hồng Lỗi.
Cũng theo Tân Hoa Xã, ông Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc cam kết phát triển quan hệ với Nhật Bản nhưng sẽ không ngồi yên trước việc bất cứ ai “bóp méo” chính sách ngoại giao của quốc gia, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến lãnh thổ.
Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong ngày hôm nay (22 - 2) tại Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington hồi cuối tháng một. |
Trong cuộc gặp này, thủ tướng Abe hy vọng rằng tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ủng hộ các định hướng của Nhật Bản trong việc thúc đẩy kinh tế quốc gia.
Cũng trong hôm nay, thủ tướng Nhật Bản sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Obama nhằm thảo luận các vấn đề quan hệ song phương và đa phương, mong muốn liên minh với Mỹ ở mức mạnh nhất trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên có nguy cơ thử hạt nhân lần thứ tư và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển.
Trong thời gian qua, Nhật Bản cũng đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ về vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hồi cuối tháng một, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên tiếng ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề này mà về sau, Trung Quốc đã chỉ trích rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật là một hành động “phản bội Trung Quốc”.
Trong một động thái mới nhất liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có những thay đổi tích cực nhất trong chính sách đối ngoại, đặc biệt khi can thiệp vào quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Căng thẳng
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng từ tháng 9 năm ngoái sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa một số đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phía Trung Quốc trong thời gian qua thường xuyên điều tàu hải giám ra vùng biển quanh quần đảo ĐiếuNgư/Senkaku bất chấp Nhật Bản tuyên bố tăng cường giám sát.
Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. |
Hồi đầu tháng nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một radar tên lửa của Trung Quốc đã nhắm bắn trực tiếp vào tàu hải giám của Nhật trên Biển Hoa Đông. Nhật Bản đã lên tiếng phản đối hành động này và cho rằng đây thực sự là một hành động “rất nguy hiểm”.
Tuy nhiên, Trung Quốc ngay sau đó đã lên tiếng “tố” Nhật Bản cố tình bôi nhọ hình ảnh nước này trong vụ việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng Nhật Bản đang “phóng đại” cuộc khủng hoảng về lãnh thổ và cố tình tạo ra căng thẳng về vấn đề này.
Hôm 19-2 vừa qua, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ đề xuất quần đảo Senkaku là di sản thế giới, đồng thời tái khẳng định rằng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.
Nguyễn Thủy
Tổng hợp