Triển lãm Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản chọn lọc giới thiệu gần 100 hình ảnh, tài liệu lưu trữ là những minh chứng góp phần tái hiện những thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và Thủ đô Hà Nội từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954) được ký kết đến ngày giải phóng Thủ đô.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô tại Đền Hùng (Phú Thọ), ngày 19/9/1954. |
Triển lãm Hà Nội – Ký ức những ngày tiếp quản. |
Thông qua các tư liệu và hình ảnh tại Triển lãm, công chúng sẽ được biết ngày 9/10/1954, khi những tên lính thực dân cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Sáng 10/10/1954, Uỷ ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân tiến vào tiếp quản Hà Nội. Hơn bốn mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ hoa, với niềm hân hoan tột độ đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
Các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến qua các đường phố Thủ đô. |
Các thiếu nữ Trường nữ sinh Trưng Vương và thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô. |
Đến 15h cùng ngày, thay mặt đồng bào cả nước, quân dân Hà Nội đã tham gia lễ chào cờ, lắng nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể…”.
Đoàn xe của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến về Hà Nội trước sự chào đón của nhân dân Thủ đô. |
Kể từ thời điểm đó, Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã sạch bóng quân thù, cùng cả nước bước sang trang sử mới. Niềm tự hào, vinh quang ấy thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó quân dân Thủ đô Hà Nội - lực lượng trực tiếp kháng chiến ở một chiến trường đặc biệt là tại trung tâm đầu não của chế độ thực dân Pháp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến đúng đắn “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến”, Đảng bộ, quân dân Thủ đô đã bền gan trong đấu tranh, người trước ngã xuống, người sau tiến lên, anh dũng chiến đấu và chiến thắng vẻ vang, cùng ca khúc khải hoàn trong ngày giải phóng Thủ đô, tràn đầy niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng của Thủ đô và đất nước.
Lễ chào cờ tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội, chiều 10/10/1954. |
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (phải), Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cùng toàn quân làm lễ thượng cờ tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội, ngày 10/10/1954. |
70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng về những ngày đấu tranh và tiếp quản Thủ đô vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người con của Hà Nội. Mỗi độ thu về, trong những ngày tháng Mười lịch sử, đâu đó trên những con đường, những tuyến phố mà đoàn quân chiến thắng đi qua dường như vẫn còn âm vang bài hát Tiến về Hà Nộ” của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố…”.
Một phụ nữ từng chứng kiến ngày giải phóng Thủ đô xem những thông tin tại Triển lãm Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản. Ảnh: Kiến Nghĩa. |
Triển lãm Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử về Thủ đô Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến của Việt Nam.
Triển lãm diễn ra từ ngày 3-20/10 tại Nhà triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội.