Trưng bày cổ vật cung đình triều Nguyễn từng được cất giấu tại Đà Lạt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 36 trong số 124 hiện vật cung đình triều Nguyễn từng được cất giấu tại thành phố Đà Lạt sẽ được trưng bày tại Cung Nam phương hoàng hậu.
Trưng bày cổ vật cung đình triều Nguyễn từng được cất giấu tại Đà Lạt ảnh 1

Chậu ngọc bịt vàng được chế tác vào thế kỷ 19

Ngày 23/5, Bảo tàng Lâm Đồng cho biết đang chuẩn bị đưa 36 hiện vật cung đình triều Nguyễn ra trưng bày tại Cung Nam Phương hoàng hậu (thành phố Đà Lạt) cho người dân địa phương và du khách thưởng lãm.

Trưng bày cổ vật cung đình triều Nguyễn từng được cất giấu tại Đà Lạt ảnh 2

Nhiều du khách tham quan Cung Nam Phương hoàng hậu

Theo ông Hoàng Ngọc Huy, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, mục đích triển lãm nhằm quảng bá, phát huy những giá trị di sản văn hóa đang được lưu giữ tại đây; đồng thời khai thác tối đa thế mạnh của Cung Nam Phương hoàng hậu trong lộ trình tham quan tại bảo tàng.

Trưng bày cổ vật cung đình triều Nguyễn từng được cất giấu tại Đà Lạt ảnh 3

Ảnh hoàng hậu Nam Phương được trưng bày tại bảo tàng

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng phòng Sưu tập, quản lý hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, năm 1949, khi “Hoàng triều cương thổ” được thành lập, bà Từ Cung đã quyết định di chuyển một số tài sản từ Huế vào Đà Lạt cất giữ. Lúc đầu, được lưu giữ tại Dinh III, trong phòng của Nam Phương hoàng hậu, sau đó di chuyển xuống nhà kho.

Trưng bày cổ vật cung đình triều Nguyễn từng được cất giấu tại Đà Lạt ảnh 4

Phòng ở của hoàng hậu trong Cung Nam phương Hoàng hậu

Ông Nguyễn Đức Hòa, quản gia trung thành của gia đình vua Bảo Đại đã khéo léo che giấu số hiện vật này hơn 20 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Sau 1975, ông báo cáo và bàn giao số tài sản trên cho tỉnh Lâm Đồng. Ngày 1/9/2016, UBND tỉnh ra quyết định “Xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản và phương án xử lý tài sản sau khi xác lập quyền sở hữu nhà nước”. Tiếp đó, UBND tỉnh quyết định chuyển giao toàn bộ số tài sản trên cho Bảo tàng Lâm Đồng.

Ngay sau khi tiếp nhận, Bảo tàng đã phối hợp với chuyên gia tiến hành giám định, bước đầu xác định đây là một sưu tập hiện vật quý hiếm, từng được sử dụng trong cung đình triều Nguyễn.

“Bộ sưu tập gồm 124 hiện vật các loại, rất phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu như ngọc, vàng, bạc, đá quý, hổ phách...; đặc biệt, một số hiện vật được xếp vào loại “độc bản”, rất có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật”, ông Dũng chia sẻ.

Một số hiện vật được đưa ra trưng bày lần này thuộc nhóm hiện vật biểu trưng cho quyền lực, vị thế của nhà vua và quan lại như thẻ bài, hốt ngọc… Trong đó có 3 chiếc thẻ bài được làm bằng bạch ngọc với chữ nạm vàng ghi danh vua Khải Định, bà Từ Cung Hoàng thái hậu và Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau là vua Bảo Đại).

Trưng bày cổ vật cung đình triều Nguyễn từng được cất giấu tại Đà Lạt ảnh 5

Thẻ bài Đại Nam Thiên tử

Hốt ngọc (ngọc như ý) thường được vua quan cầm trên tay mỗi khi thiết triều hoặc trưng bày trong các không gian trang trọng của gia đình Hoàng tộc...

Một trong những hiện vật hiếm hoi có thể xác định được niên đại một cách tuyệt đối là chiếc bút ngọc. Bút được chế tác bằng đá ngọc màu trắng, gồm hai phần quản bút và nắp bút; đầu bút nạm một đai vàng nhỏ, trang trí hoa văn rất tinh xảo.

Trưng bày cổ vật cung đình triều Nguyễn từng được cất giấu tại Đà Lạt ảnh 6

Bút ngọc thời vua Tự Đức

Trên thân bút khắc hai dòng chữ Hán là “Ngự diên văn bảo” và “Tự Đức nguyên niên tạo”, tạm dịch là đồ dùng của vua tại văn phòng, chế tác năm đầu tiên đời vua Tự Đức, 1847.

Lần này, Bảo tàng Lâm Đồng còn đưa ra trưng bày một số tượng Đức Phật, bình rượu ngọc, chậu bạc, ly và chén ngọc bịt vàng, muỗng bằng ngà voi bịt vàng… Đặc biệt là chiếc chậu bằng ngọc nguyên khối, thành chậu bịt vàng, gắn 119 hạt ngọc (được chế tác vào thế kỷ 19) để vua rửa tay khi cử hành các đại lễ trong triều đình.

Trưng bày cổ vật cung đình triều Nguyễn từng được cất giấu tại Đà Lạt ảnh 7

Cặp tô ngọc khắc chìm 6 chữ "Đại Thanh Càn Long niên chế"

Ngoài ra còn có cặp tô lớn bằng đá ngọc màu xanh rêu nguyên khối, quanh thành miệng được bọc đồng, dưới đáy khắc chìm 6 chữ Hán “Đại Thanh Càn Long niên chế”, tạm dịch là chế tác vào triều đại nhà Thanh thời vua Càn Long (1735-1796).

MỚI - NÓNG
Cận cảnh những khu chung cư cũ ‘dễ cháy, khó chữa’ tại Hà Nội
Cận cảnh những khu chung cư cũ ‘dễ cháy, khó chữa’ tại Hà Nội
TPO - Hà Nội hiện có hàng trăm chung cư cũ với hàng loạt nguy cơ cháy như: Dây điện chằng chịt, đồ đạc dễ cháy để khắp hành lang; thậm chí, người dân còn đốt vàng mã trong cầu thang, dưới đường dây điện. Khi xảy ra cháy, công tác chữa cháy rất khó khăn vì đường vào bị lấn chiếm, cho thuê làm hàng quán...