Trump tự ví mình như trên ‘hòn đảo chỉ có 1 người’

Lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang tiến vào thị trấn miền đông bắc Syria. (Ảnh: Reuters)
Lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang tiến vào thị trấn miền đông bắc Syria. (Ảnh: Reuters)
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ví ông như “hòn đảo chỉ có 1 người” khi quyết định rút quân khỏi vùng đông bắc Syria.

Quyết định của ông vấp phải sự chỉ trích của cả 2 đảng ở Mỹ và từ bên ngoài vì nguy cơ gây nguy hiểm cho ổn định khu vực và mạo hiểm mạng sống của lực lượng người Kurd ở Syria đã sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước hồi giáo (IS).

Thổ Nhĩ Kỳ coi những chiến binh người Kurd là khủng bố và là mối de doạ cho an ninh của họ, vì thế nước này vừa triển khai một chiến dịch quân sự để tấn công người Kurd.

Trong bài phát biểu hôm qua trước các nhà hoạt động xã hội bảo thủ, ông Trump nói rằng “đã đến lúc” đưa quân Mỹ về nhà để rời bỏ “những cuộc chiến tranh không có hồi kết”.

Tổng thống Mỹ nói rằng tình hình Trung Đông rất vô vọng, không an toàn, không ổn định dù Mỹ can dự vào.

Trong khi đó, lực lượng phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hôm qua đã tiến vào thị trấn biên giới Ras al Ain ở đông bắc Syria, nhưng chưa rõ đã đi được bao xa. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng đội quân này đã chiếm được trung tâm thị trấn và lực lượng người Kurd đang chống trả.

Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang ngày thứ 5, bất chấp phản ứng từ Mỹ và Liên minh châu Âu và những đe doạ sẽ trừng phạt nếu Ankara không ngừng tấn công.

Ông Trump nói rằng chiến dịch xâm phạm của Thổ Nhĩ Kỳ “gây tổn thất lớn” cho quan hệ của Mỹ với đồng minh NATO này. Các thành viên NATO khác là Đức và Pháp nói rằng họ sẽ cấm xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo Liên đoàn Ả-rập lên án chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về chiến dịch.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Pháp nói trong một tuyên bố rằng các ngoại trưởng EU sẽ phối hợp trong cuộc họp diễn ra ngày mai tại Luxembourg.

Nhưng ông Erdogan gạt bỏ tất cả chỉ trích quốc tế. Ông tuyên bố vào tối thứ 6 vừa qua rằng Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ không dừng lại, dù ai nói gì đi nữa”

Cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ gây báo động quốc tế trước tình trạng thường dân phải sơ tán ồ ạt và nguy cơ các thành viên IS trốn khỏi các nhà tù do người Kurd kiếm soát để sau này trỗi dậy trở lại.

Lực lượng người Kurd ở đông bắc Syria nói rằng đến nay đã có gần 200.000 người đã phải sơ tán để tránh quân Thổ Nhĩ Kỳ. Chương trình Lương thực thế giới cho biét hơn 100.000 người đã phải rời khỏi thị trấn Ras al Ain và Tel Abyad.

Thổ Nhĩ Kỳ nói mục tiêu của họ là lập ra một “vùng an toàn” ở Syria để 3,6 triệu người tị nạn Syria trở về sinh sống. Ông Erdogan doạ sẽ đưa những người này đến châu Âu nếu châu Âu không ủng hộ kế hoạch của ông.

Marvan Qamishilo, phát ngôn viên của Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, cho biết họ phải “rút lui chiến lược” ở Ras al Ain để tránh bị Thổ Nhĩ Kỳ ném bom. 

SDF tố lực lượng phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vừa giết hại một chính trị gia người Kurd trong một vụ phục kích trên đường phố hôm qua. 

Tổ chức quan sát nhân quyền Syria, trụ sở tại Anh, nói rằng đội quân thân Thổ Nhĩ Kỳ đã giết hại 9 thường dân tên đường đi, trong đó có ông Hervin Khalaf, đồng chủ tịch đảng Tương lai Syria.

Theo Theo Reuters, AP
MỚI - NÓNG