Trùm rửa tiền khét tiếng Matxcơva hầu tòa

Các thành viên trong tổ chức tội phạm của Magin được dẫn ra tòa
Các thành viên trong tổ chức tội phạm của Magin được dẫn ra tòa
Tuy chỉ là Chủ tịch Hội Các chủ sở hữu nhà ở, Sergei Magin lại sở hữu một loạt các ngân hàng thương mại và thành lập nhiều công ty một ngày để thực hiện các hoạt động tài chính bất hợp pháp như rút tiền mặt, đổi và chuyển ra nước ngoài 196 tỷ rúp thu lợi với quy mô đặc biệt lớn.

Thành lập 14 công ty trong 1 ngày

Ngày 23-11-2015, Tòa án Matxcơva, Nga đã bắt đầu xét xử vụ án Sergei Magin và 11 đồng phạm tổ chức hoạt động tài chính bất hợp pháp thu lợi với quy mô đặc biệt lớn. Đây là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất trong những năm gần đây ở Nga. Ngoài 12 bị cáo, còn 2 đối tượng bị truy nã trong nước và quốc tế là Alexei Potapov, phụ tá thân cận nhất của Magin và Dmitry Agramakov, cổ đông chính của các ngân hàng thương mại của Magin.

Theo kết luận điều tra, cầm đầu tổ chức tội phạm này là Sergei Magin 42 tuổi và Vadim Rybalchenko, cộng sự thân cận của Magin. Ngoài một loạt ngân hàng thương mại, Magin và Rybalchenko còn thành lập mạng lưới 14 công ty hoạt động một ngày để chuyển những khoản tiền rất lớn ra nước ngoài nhằm hưởng lợi bất chính và rửa tiền.

Theo cơ quan điều tra, thực hiện sự ủy nhiệm của tổ công tác liên ngành về chống các giao dịch tài chính bất hợp pháp được thành lập theo quyết định của Tổng thống Vladimir Putin, Tổng cục An ninh Kinh tế và Chống tham nhũng của Bộ Nội vụ Nga đã triệt phá tổ chức tội phạm của Magin vào ngày 5-7-2013 và tiến hành 80 cuộc khám xét ở Matxcơva và vùng ngoại ô, thu giữ hơn 1 tỷ rúp tiền mặt, bắt 7 thành viên cốt cán. Riêng Magin bị bắt khi đang ăn tối tại một nhà hàng ở Matxcơva, Rybalchenko bị bắt tại sân bay Sheremetyevo khi chuẩn bị bay sang Litva. Ngoài ra, còn có 400 người đã dính líu tới hoạt động bất hợp pháp của tổ chức tội phạm này.

Mạng lưới rửa tiền xuyên quốc gia

Theo cơ quan điều tra, tổ chức tội phạm của Magin đã xuất hiện ở Matxcơva vào năm 2012. Đây là một trong những tổ chức tội phạm rửa tiền chính ở Nga. Mặc dù, chỉ giữ một chức vụ khiêm tốn là Chủ tịch Hội các chủ sở hữu nhà Panorama, nhưng Magin là chủ sở hữu thực sự của một loạt các ngân hàng thương mại, trong đó có các ngân hàng Oksky và Mast-bank. Theo cáo trạng của Viện Công tố Nga, Magin và các đồng phạm đã rút tiền mặt, đổi và chuyển ra nước ngoài trái phép 169 tỷ rúp, thu lợi bất chính 846 triệu rúp.

Theo cơ quan điều tra, để thực hiện hoạt động tài chính bất hợp pháp, các thành viên băng tội phạm đã sử dụng các ngân hàng thương mại do chúng kiểm soát, trong đó các ngân hàng Oksky, Mast-bank và ngân hàng Công nghiệp quân sự (VPB). Những khoản tiền của khách hàng được chuyển theo phương thức không dùng tiền mặt cho các công ty một ngày thông qua các tài khoản đã được mở tại hệ thống ngân hàng này, sau đó tiền mặt được rút ra và được gửi vào tài khoản của các ngân hàng ở Síp và các nước vùng Baltic… Cũng theo cơ quan điều tra, thay vì gửi tiền qua hệ thống ngân hàng nhà nước, các thương nhân Trung Quốc tại Tổ hợp Hội chợ Thương mại Matxcơva ở Liublino cũng thường gửi tiền thu được về nước thông qua tổ chức của Magin với khoản hoa hồng là 2%. Các thành viên băng tội phạm hợp pháp hóa số tiền thu được bằng việc mua bất động sản, các xí nghiệp công nghiệp ở nước ngoài…

Tùy từng vai trò khác nhau, 12 bị cáo bị xét xử về các tội thành lập, tham gia tổ chức tội phạm (mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân) và hoạt động ngân hàng bất hợp pháp (mức cao nhất là 7 năm tù). Magin và Rybalchenko còn bị xét xử về tội thành lập các pháp nhân bất hợp pháp (mức cao nhất là 5 năm tù).

Theo Theo An ninh thủ đô
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.