5 không gian, 5 trục động lực phát triển
Tại kỳ họp thứ 15, được tổ chức ngày 29/3, HĐND TP. Hà Nội thông qua Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh. Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước. Đến năm 2050, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, với quy mô dân số khoảng 13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt 45.000- 46.000 USD.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của thành phố gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị.
Trong 5 trục không gian phát triển, trục sông Hồng được định hướng là trục chính. Về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng. Hai bên sông sẽ xây dựng con đường di sản văn hóa, tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngoài ra, đây cũng là nơi giới thiệu cảnh quan đất nước, hình ảnh các vùng miền để phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Đồng thời, kết nối với khu vực Hồ Tây, khu vực cầu Long Biên và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động du lịch, giải trí và kinh tế ban đêm.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Tổ đại biểu huyện Thường Tín) cho rằng, để lấy sông Hồng làm trung tâm, quy hoạch hệ thống giao thông vận tải, đường sắt đô thị phải đi trước một bước. Theo đó, nên điều chỉnh đường 2 bên bờ sông Hồng, phạm vi mặt cắt ngang với phạm vi như đường Trần Quang Khải hiện nay. Đồng thời, kết hợp phát triển các cây cầu qua sông Hồng để phát triển trục này. Đối với quy hoạch đường nội đô, nên quy hoạch theo ô bàn cờ, bổ sung đường sắt đô thị, đường sắt ngầm.
Đại biểu Đường Hoài Nam (Tổ đại biểu quận Long Biên) cho rằng, trục không gian cảnh quan sông Hồng được xác định trong quy hoạch rất quan trọng, nhưng cũng cần tính đến kết nối không gian, cảnh quan xanh sông Đuống. Đây là 1 trong 3 vùng không gian phát triển của Long Biên, là trục cảnh quan tự nhiên, gắn với sự hình thành, phát triển của Long Biên.
“Để trục cảnh quan sông Hồng phát triển, cần sớm xác định tổ hợp kiến trúc dọc sông Hồng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông tiếp cận dọc 2 bên bờ sông, xây thêm các cây cầu bắc qua sông... Đây là công việc khó khăn, phức tạp, nhưng nếu thực hiện được sẽ mở ra không gian đáng sống cho Thủ đô”.
Đại biểu Đường Hoài Nam (Long Biên)
Theo ông Nam, để trục cảnh quan sông Hồng phát triển, cần sớm xác định tổ hợp kiến trúc dọc sông Hồng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông tiếp cận dọc 2 bên bờ sông, xây thêm các cây cầu bắc qua sông. Ngoài ra, các chính sách huy động, sử dụng vốn, lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giải phóng mặt bằng cũng cần thông thoáng hơn. “Trục không gian cảnh quan sông Hồng là khó khăn, phức tạp, nhưng nếu thực hiện được sẽ mở ra không gian đáng sống cho Thủ đô”, ông Nam nhận định.
Phát triển đường sắt đô thị
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Hoàng Mai) cho rằng, để thực hiện tốt quy hoạch trên, cần quan tâm đến giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị. Theo ông Đức, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, việc phát triển đường sắt đô thị là cốt yếu. Nếu Thủ đô phát triển tốt giao thông đường sắt, hệ thống này sẽ gánh được 30% cho vận tải hành khách.
Đồ án đã định hướng quy hoạch các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng cạn, cảng hàng không. Về đường bộ, Hà Nội sẽ hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, bao gồm 8 tuyến cao tốc hướng tâm, 3 tuyến cao tốc vành đai của thành phố, 2 tuyến cao tốc đô thị, ưu tiên nâng cấp mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng, hoàn thiện 11 tuyến quốc lộ trên địa bàn, nâng cấp các đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị theo quy mô đường đô thị. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng bộ, hiện đại hóa 39 tuyến đường tỉnh hiện có, xây mới 7 tuyến đường tỉnh, hệ thống đường liên huyện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trục sông Hồng là động lực phát triển Thủ đô |
Hà Nội cũng sẽ hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, nghiên cứu phương án kết hợp hệ thống cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông. Đồng thời, từng bước chuyển đổi các bến xe trong khu vực vành đai thành bãi đỗ xe hiện đại, thông minh. Bố trí quỹ đất hợp lý để xây dựng các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe phù hợp nhu cầu từng khu vực. Thành phố cũng sẽ thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông xanh, thông minh, trong đó ưu tiên đầu tư giao thông xanh trong vận tải hành khách công cộng. Từng bước thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe máy cá nhân sang xe máy điện, xe máy sử dụng năng lượng xanh.
Về đường sắt, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, ưu tiên hoàn thành hệ thống đường sắt vành đai thành phố và các ga đầu mối trên tuyến vành đai. Ngoài ra, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt tại khu vực đô thị trung tâm, đảm bảo mật độ các ga tàu có khoảng cách phù hợp giúp người đi bộ có thể di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố. Đồng thời, xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối với khu vực phố cổ.
Giảm học phí
Tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở Thủ đô. Theo Nghị quyết, mức thu học phí từ năm học 2023-2024 ở Hà Nội giảm so với trước, trong đó có những khu vực giảm hơn một nửa.
Thành phố cũng chuẩn bị các điều kiện để phối hợp với Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đóng vai trò là trục xương sống, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hà Nội cũng sẽ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, mục tiêu đến năm 2030 đạt năng lực vận chuyển 60 triệu hành khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2050, năng lực vận chuyển đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Quy hoạch phát triển cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô sau năm 2030 với chức năng hỗ trợ cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ cho vận tải khách trong vùng Thủ đô. Cảng hàng không thứ hai có quy mô cấp 4E, đón khoảng 30 - 50 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Đồng thời, thành phố sẽ khai thác sân bay Gia Lâm, sân bay Hòa Lạc phục vụ lưỡng dụng dân sự và quân sự.