Trong tháng này ra mắt Cục Kiểm ngư

Trong tháng này ra mắt Cục Kiểm ngư
TP - Trao đổi với Tiền Phong chiều 5-12, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu phải nhanh chóng lập Cục Kiểm ngư trong tháng 12 này.

> Không để mất quyền khai thác trên biển ta
> Cục Kiểm ngư ra mắt đầu năm 2013

Theo ông Tám, từ lâu ngành thủy sản mong có lực lượng chuyên trách, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên biển, còn gọi là lực lượng kiểm ngư.

Hiện nguồn lợi hải sản trên biển đã đến mức tới hạn cần bảo vệ. Tình hình tàu cá nước ngoài vi phạm các vùng biển Việt Nam thường xuyên, gây ra bức xúc cho ngư dân cả nước.

Mặt khác, cần đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác trên biển, vì ngoài thiên tai, còn có “nhân tai”, tức là tàu lạ đâm, cướp bóc. Do vậy, sự ra đời của lực lượng kiểm ngư là hết sức cấp bách, cùng với các lực lượng khác góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên biển.

Thưa ông, việc chuẩn bị thành lập Cục Kiểm ngư đã thực hiện đến đâu?

Bộ trưởng NN&PTNT đã chỉ đạo, giao Tổng cục Thủy sản khẩn trương tham mưu, đề xuất thành lập Cục Kiểm ngư ngay trong tháng 12-2012. Khi Nghị định về tổ chức và hoạt động lực lượng Kiểm ngư có hiệu lực từ 25-1-2013, Cục sẽ đi vào hoạt động luôn.

Chúng tôi đã duyệt về nhân sự, phương tiện, trang phục, phù hiệu, sơn tàu… của kiểm ngư. Trong tháng này sẽ trình bộ về bộ máy của Cục, để Bộ trưởng quyết định.

Sau khi thành lập Cục, ngoài các đơn vị ở Trung ương, dự kiến sẽ lập 4 chi cục vùng. Trước mắt, có Chi cục Kiểm ngư vùng vịnh Bắc bộ có thể hoạt động ngay được, trên cơ sở chuyển Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vịnh Bắc bộ (Hải Phòng), hiện đã có đủ tàu bè, con người. Theo lộ trình, năm tới lập chi cục vùng nữa ở Khánh Hòa.

Trong nhiều Luật, Pháp lệnh hiện chưa có quy định về lực lượng kiểm ngư, việc xử các sự cố trên biển của kiểm ngư như thế nào?

Sau khi có nghị định về Kiểm ngư và thành lập Cục Kiểm ngư, sẽ xúc tiến hàng loạt các vấn đề pháp lý để lực lượng này hoạt động.

Tới đây, Bộ sẽ ban hành ba thông tư liên tịch liên quan tài chính, chế độ chính sách, tổ chức ngạch, công chức, viên chức trên tàu… Cùng đó, sẽ sửa đổi, bổ sung lực lượng kiểm ngư vào một số văn bản luật, như Luật Thủy sản, Luật xử phạt vi phạm hành chính…

Tuy nhiên, trong lúc chưa bổ sung được lực kiểm ngư vào các luật, pháp lệnh sẽ sử dụng chức năng thanh tra chuyên ngành, và phối hợp với lực lượng khác, trên cơ sở chức năng, thẩm quyền của họ để xử lý, cho đến khi hoàn chỉnh về cơ sở pháp luật cho lực lượng này.

Kiểm ngư cũng có chức năng trao đổi thông tin, tài liệu, có thể cho phép lực lượng khác lên tàu để phối hợp, điều động lực lượng, phương tiện.

Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ra khơi đánh cá. Ảnh: Nam Cường
Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ra khơi đánh cá. Ảnh: Nam Cường.

Lực lượng kiểm ngư có được trang bị các công cụ hỗ trợ?

Kiểm ngư được trang bị các công cụ hỗ trợ, các thiết bị chuyên dùng khi thi hành công vụ, và các thiết bị khác theo quy định của pháp luật.

Hiện, trong Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chưa có quy định lực lượng Kiểm ngư, tuy nhiên tới đây có thể cần xem lại.

Phải nói rõ, kiểm ngư là lực lượng dân sự, có thể hành động, tác nghiệp trực tiếp bằng tàu trên biển, có chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý vi phạm theo pháp luật về vi phạm hành chính, và có chức năng về thanh tra.

Gần đây, ngư dân ta gặp nhiều khó khăn, lại bị tàu cá Trung Quốc liên tục quấy rối. Tới đây, Bộ có chính sách gì hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển?

Giải quyết vấn đề trên biển không phải một lúc. Việc đấu tranh chủ quyền quốc gia trên biển là một cuộc đấu tranh lâu dài. Bộ vừa trình Chính phủ Đề án tổ chức lại khai thác hải sản trên biển, ghi rõ các chính sách, dự án ưu tiên.

Trong đó, có chính sách từng bước hiện đại hóa tàu cá, tổ chức lại khai thác đối tượng chủ lực, như cá ngừ. Đề án cũng có giai đoạn 2 về hiện đại hóa hệ thống thông tin quan sát tàu cá.

Sắp tới Bộ sẽ ban hành chính sách tổng thể hỗ trợ rủi ro cho ngư dân trên biển. Trong đó, có chính sách về tín dụng để ngư dân vay được với lãi suất ưu đãi, hạn chế việc để ngư dân phải vay nóng.

Phạm Anh
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG