Xưa nay mới nghe đến du tăng, ít hoặc rất ít nghe du sĩ. Ngoại trừ tựa tập “Du sĩ ca” của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn in hồi năm 1973 ở miền Nam. Báo Tiền Phong số Xuân Quý Tỵ năm 2013, tôi có bài ký “Gặp dị nhân thi sĩ tu trên hoang đảo” về Tâm Nhiên, nhưng khi đó ông cũng chỉ tự gọi mình là “lang thang sĩ”.
Dù gần cả đời chàng như tự giới thiệu là một “cuộc lữ không tên tuổi, không gia đình, không sự nghiệp, không địa vị, không chỗ cư trú trong thời gian và không gian. Không trụ vào bất cứ đâu... Chẳng hữu tâm chẳng vô tâm/Muôn chiều diệu dụng bước trầm nhiên qua”.
Sách Diệu Tâm Ca. Ảnh: Trần Tuấn |
Thế rồi, có lẽ hốt nhiên một sáng nào đó, hai chữ “du sĩ” đã nhập vào kẻ Vô Trú Tâm Nhiên. Khi rời xa hẳn cái am nhỏ mang tên Vô Trú nơi ghềnh đá hải đảo cô độc Lại Sơn (Kiên Giang) mà ông lưu trú suốt mấy chục năm dạy học để tiếp tục cuộc lang thang không dừng lại. Vô Trú Am, thì dù sao đó cũng là nơi Trú, còn nay mới thực Vô. “Lang thang sĩ” thành “du sĩ”, có lẽ chuyển ngầm theo nghĩa ấy.
Và rồi du sĩ Tâm Nhiên vừa cho tái bản Diệu tâm ca dày tới hơn 650 trang gồm 12.336 câu thơ lục bát. Mà như Thiền sư Tuệ Sỹ trong bài Tựa đầu sách đã viết: “Diệu tâm ca, tập truyện thơ kể về cuộc đời của Đức Phật, nội dung ngụ ý một bản trường ca về Một Cõi hay Một Nhân Cách thị hiện Chân Tâm Vi Diệu”.
Nhưng ngay từ những dòng đầu, Thiền sư đã không quên cảnh báo: “Kể truyện thơ, thì trong hai câu thơ đó (Dấn thân vào cõi ban sơ/Lên ghềnh xuống thác sang bờ uyên tư) là những bước chân khước từ tuyệt đối của Đấng Đại Hùng trong cõi u tịch mênh mông vô hạn; nhưng trong tính thể thơ thì đấy chính là bước chân lãng tử bị lôi cuốn bởi sợi dây tham ái của tính mệnh thơ, bị cuốn đi trong mộng ảo của nguyên ngôn, của phán truyền sáng tạo”.
May mắn thay, Diệu tâm ca đã vượt ra ngoài “thế tục trí”, phần nào chạm đến cái Cõi mà “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, xuất phát “chính từ khát vọng sâu thẳm của một thức lang thang đi tìm cõi hằng trụ trong vô trụ”.
Trong sách, thầy Tuệ Sỹ dẫn đôi câu thơ Bùi Giáng: “Người nằm xuống từ ngàn xưa vang bóng/Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần”. Khiến tôi lưu tâm hơn cả về cách dụng ngữ rất đặc biệt trong Diệu tâm ca. Ngôn ngữ thơ như có như không, biến hoạt tài tình, hàng vạn câu thơ mà ngôn ngữ được huy động hết sức cô đọng, luôn có ý thức sắp xếp theo những trật tự ngữ nghĩa mới mẻ, bất ngờ. Dễ dàng nhặt được trong trường thi hơn 600 trang ấy những đôi câu thế này: “Thời gian đâu có đêm ngày/Nghìn năm sau trước ở ngay đây mà”. “Xa quốc sắc lìa thuyền quyên/Thế nhân mấy kẻ thoát xiềng thiên hương?”. “Đông tàn rồi lại sang xuân/ Tháng năm lẫm liệt trên từng bước im”,...
Kể về cuộc đời Đức Phật, nhưng tác giả không sa đà vào những pháp thoại, huyền tích, mà giữ nguyên được thi tính nhuần nhuyễn. Không gian trong Diệu tâm ca hiện lên rất đời và thật quyến rũ: “Cỏ cây reo suối hoa vàng/Ngàn chim cũng tụng kinh vang núi đồi”. “Đò ngang ông lái buông dầm/Cánh đồng lúa trổ quanh mâm cơm chiều”. “Cuối thu đường rụng lá cành/Lau vàng xào xạc đồi tranh cỏ hồng/Lối mòn thôn dã vời trông/Nôn nao dạo giữa cánh đồng thiên nhiên”.
Đời đến như này “Tình yêu là chốn siêu hình/Nhưng điều động cả cuộc sinh tử này/Bước vào kẻ tỉnh người say/Trăm năm chẳng hẹn có ngày bước ra”.
Thầy Tuệ Sỹ và Tâm Nhiên ngồi chơi trên đồi cao Vô Trú Am, ngoài hải đảo Lại Sơn, Kiên Giang 5/2018 |
Cảnh sắc hài hòa vào tâm trạng từng nhân vật. Tâm tư và nỗi buồn của Thái tử Tất Đạt Đa trước những chấp tranh, khổ lệ chúng sinh “Thương từ ngọn gió heo may/Đến từng cánh hạc trắng gầy mé sông”. “Rong rêu bờ liễu tơ chùng/Ngắm nhìn bỡ ngỡ sương rung động thềm/ Nguyệt vàng ngơ ngác tàn đêm/Màu loang lổ nhạt đất mềm rã hoa”. Còn đây phút giây chàng rời gia đình dấn thân làm kẻ “cô hành độc lữ” công phu miên mật tầm đạo “Hoàng hoa thôi nhé thôi thì/ Mùi hương thầm kín xin ly biệt này/ Giọt trăng nhễu xuống vàng ngây/Thay lời từ tạ trước ngày viễn du”.
Để rồi “Tuyệt mù Hy Mã Lạp Sơn/Thâm u cùng cốc mộng rờn mông lung/Gót đăm chiêu bước trầm hùng/Sỏi nghiêng mình đón đá rung động chờ”. “Mật ngôn choáng váng tinh thần/Trơ vơ đạm bạc chiếc thân hư phù/Mơ hồ thổ lộ uyên tư/ Đứng ngồi lãng đãng bóng mù sương bay”. “Gậy thiền gõ xuống muôn trùng/ Nhân sinh thức tỉnh nghe rung chuyển hồn”.
Du sĩ Tâm Nhiên tên thật Nguyễn Đức, quê Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, từng là sinh viên Phật khoa Vạn Hạnh (Sài Gòn), sau 1975 tình nguyện dạy học gần 30 năm trên đảo Lại Sơn (Kiên Giang). Ngoài “Diệu Tâm Ca” (in lần đầu tại NXB Phương Đông 2008, đến năm 2021 tái bản tại NXB Đà Nẵng bổ sung hơn 1.200 câu), ông còn là tác giả của hàng ngàn bài thơ, tiểu luận công phu về văn chương và Phật giáo.
Có những đoạn như áng thơ trác tuyệt: “Đóa hoa như thị như tường/Hương vô tâm ngát ngàn tương cảm trầm/Ni cô ồ chuyện nghìn năm/Bên cầu sông lạ thì thầm y sa/Dưới kia nước cuốn bụi nhòa/Nổi chìm trong cõi người ta muôn chiều/ Nâu sồng qua phố đăm chiêu/Thoáng phơ phất quyện bay vèo sắc không”. Đó là chương “Kiều Đàm Di cõi Ni cô về” về những công nương, tôn nữ đầu tiên được Đức Phật đồng ý cho xuất gia “Tháo dây ràng buộc mở kỳ diệu tâm” với đầy những dòng thơ xao xuyến.
Thật tài tình, khi cuối cùng thầy Tuệ Sỹ gọi tập thơ đồ sộ trên 12 ngàn câu này là “một bài thơ”. Một “bài thơ cực ngắn” chỉ với 3 câu: Bài thơ chỉ một chữ Tâm - Bài thơ chỉ một chữ Không - Bài thơ chỉ một chữ Tình”.
Du sĩ Tâm Nhiên cũng coi trường thiên của mình chỉ là một bài thơ, hiển nhiên. “Cuộc đời như một bài thơ/Mỗi người tự viết trên tờ giấy Không”.
Phải vậy không? Viết được không?