Trọng tài mafia khống chế cuộc chơi

Trọng tài mafia khống chế cuộc chơi
TP - Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của bóng đá Việt Nam đã trở thành diễn đàn chỉ trích những mảng tối của bóng đá Việt Nam, những sự vụ khiến không chỉ ông bầu các đội bóng mà ngay cả “người nhà” - Liên đoàn bóng đá VN (VFF) - cũng bức xúc.

> Đau, nhưng buộc phải làm!
> V-League: Bạo lực tăng, khán giả giảm

Sau khi nghe bản báo cáo tổng kết tròn vo không khác mọi năm, ông bầu Nguyễn Đức Kiên của Hà Nội ACB đã gây bất ngờ khi yêu cầu cho phóng viên được tham dự phiên thảo luận của hội nghị, vốn được ghi họp kín theo chương trình, bởi bóng đá VN chẳng có gì phải giấu. Và từ đây, rất nhiều vấn nạn của bóng đá VN đã được các bên mang ra mổ xẻ và đề nghị VFF cần bốc thuốc trị bệnh kịp thời.

VFF bao cấp hơn mọi thời bao cấp

Mở màn cho phần thảo luận, bầu Kiên phê phán bản báo cáo tổng kết của VFF như để dành cho học sinh lớp 1, lớp 2 nghe. Ông Kiên nói: “Tôi xin được nói thẳng, là tôi sẽ không thông qua báo cáo tổng kết mùa giải mà BTC đưa ra vì nó không nêu được thực trạng của BĐVN. Cá nhân tôi thấy BTC có vấn đề, cố tình bao che, bưng bít, không làm hết trách nhiệm.

VFF hôm nay còn bao cấp hơn mọi thời bao cấp, bộ máy phình to nhưng chức năng nhiệm vụ không rõ ràng. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VFF 10 năm nay gần như không có sửa đổi cho phù hợp với diễn biến của bóng đá VN.

Bóng đá là sân khấu mà người đến xem được xem cả bốn mặt. Người diễn tuồng trên đó người ta cũng biết. Chỉ có điều những người có trách nhiệm có chịu mở mắt ra mà xem không thôi.

Tôi nói thật, là tôi nhận CLB Hòa Phát Hà Nội chỉ vì trách nhiệm với các cầu thủ, với bóng đá. Chứ để kiếm một suất lên hạng đối với tôi không có gì khó. Tôi có thể mua 5 hay 10 CLB đều được. Nhưng như thế thì không phải là tôi. Các anh có quyền rải tiền ra, nhưng phải xem xét đến năng lực, đóng góp của cầu thủ, chất lượng giải đấu… như thế nào.

Tôi nghĩ VFF cần làm hết trách nhiệm của mình chứ không thể như thời gian qua. Trước khi đến đây, tôi đã nhận được ý kiến của 7 CLB, đề nghị rời khỏi V.League, sẵn sàng cùng nhau đứng ra tổ chức một giải đấu thay cho V.League đang tồn tại nhưng có quá nhiều vấn đề.

Bầu Kiên rất gay gắt với vấn đề trọng tài mùa giải vừa qua
Bầu Kiên rất gay gắt với vấn đề trọng tài mùa giải vừa qua . Ảnh: TTVH

Muốn thắng, chi 500 triệu đồng

Được xem làm một trong những “nạn nhân” của công tác trọng tài, bầu Kiên bày tỏ: “Tôi thấy có quá nhiều trọng tài không tốt. Trọng tài ngày nay tiêu cực hơn, tinh vi hơn, và thủ đoạn hơn trước đây, vì không được quản lý chặt chẽ, giám sát có hiệu quả. Tôi được nhiều người tiếp cận, nói trận này phải cho trọng tài ngần này, ngần kia. Nhưng xin thưa tôi không bao giờ cho trọng tài một xu nào cả. Trước trận đấu của Hòa Phát Hà Nội với ĐT.LA, có người đã đề nghị chi 500 triệu cho trọng tài thì sẽ thắng”.

Không thể tài trợ cho tiêu cực

Mặc dù là Phó chủ tịch VFF song ông Lê Hùng Dũng cũng tỏ ra gay gắt với những tồn tại của bóng đá VN và dọa sẽ cắt tài trợ cho V-League nếu VFF không giải quyết được những vấn đề đặt ra bởi ông cũng chính là chủ tịch HĐQG của Eximbank, nhà tài trợ của V-League hiện nay.

Ông Dũng phát biểu: “Về trọng tài, qua thông tin báo chí và các kênh khác, tôi cũng cảm thấy rất bức xúc. Như chuyện trọng tài mafia khống chế cuộc chơi, cái đó có không? Tôi cho là có. Malaysia cách đây 10 năm bắt hơn chục quan chức, trọng tài. VN mình cũng từng có chuyện tương tự.

Vừa rồi công bố kết quả bầu chọn danh hiệu Còi vàng, bạc, đồng, tôi thấy rất ngạc nhiên. Trong 3 người, thì 2 người một là con trai, một là con rể anh Mùi (chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi-PV). Như thế là hại anh ấy. Dù làm khách quan nhưng người ta sẽ nghi ngờ. Tôi đề nghị sắp tới cần phải cải tổ mạnh mẽ HĐTTQG. Phải cử người có chuyên môn tham gia Ban trọng tài.

Với 2 trọng tài vừa bị kỷ luật tạm dừng nhiệm vụ ở mùa giải 2012 (trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết-PV), tôi đề nghị loại hẳn khỏi đời sống BĐVN. Tôi dùng từ “đuổi” chứ không nói nhẹ nhàng như báo cáo của anh Khôi (Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi - PV).

Nếu BTC không làm được như thế, Eximbank sẽ rút lui. Vì chúng tôi không thể tài trợ cho tiêu cực như vậy được. Mỗi năm 30 tỷ, tức là gấp đôi so với trước kia rồi. Tôi từng đề nghị BTC là nâng cao bồi dưỡng cho anh em trọng tài tốt lên, còn lại phải làm nghiêm. Tại hội nghị này, tôi đề nghị đánh giá lại công tác chuyên môn, điều hành, nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc thì cần thay đổi.

Theo tôi nếu cần thiết, các anh Khôi, anh Tuấn không làm được thì thôi không làm nữa. Tuy nhiên bên cạnh phê phán, cần phải đưa ra giải pháp. Ai làm tốt hơn có thể giới thiệu”.

Chủ tich VFF Nguyễn Trọng Hỷ

Chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản

Trước những câu hỏi khó của các đại biểu, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ không trả lời ngay tại hội nghị mà hứa sẽ tiếp thu và giải đáp bằng văn bản. “Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến và có văn bản trả lời hẳn hoi”. Tuy nhiên, chức năng của chủ tịch VFF rất khác với chủ tịch các CLB. Mọi việc xử lý cần thông qua các tổ chức cấp dưới của mình. Tôi chỉ lo nhất các doanh nghiệp sẽ quay lưng lại với bóng đá... Vấn đề trọng tài, tôi đồng ý với anh Thanh (TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh), là sẽ làm mạnh. Nhưng chỉ sợ là chúng ta làm tích cực quá thì chỉ một năm thôi, mất nửa số trọng tài thì hết người làm”, ông Hỷ phát biểu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.