Trồng loại rau dân gian làm thuốc hen suyễn cả ngàn năm nay, dân Bình Phước cứ bán là hết sạch

0:00 / 0:00
0:00
Đối với những gia đình có ít đất canh tác cây ngắn ngày đặc biệt là rau xanh, thì rau thơm trong đó chủ lực là tía tô và kinh giới là loại cây được bà con nông dân phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) lựa chọn canh tác để tăng thu nhập.

Theo một số hộ dân phường Phú Thịnh, trồng rau tía tô, rau kinh giới có chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc nhưng lại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm dù chỉ có một đến hai sào đất.

Gia đình bà Lê Thị Ngà, tổ 2 khu phố Phú Thuận phường Phú Thịnh có 1,8 sào đất trồng rau màu, bà cho biết ngày hai vợ chồng còn khỏe gia đình bà đã trồng nhiều loại rau màu khác nhau: như cải xanh, xà lách, rau dền, ngót… để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học.

Đến nay hai vợ chồng bà đã yếu, bà bàn với chồng chuyển đổi sang trồng rau thơm mà chủ lực là rau tía tô và kinh giới. Theo bà Ngà, rau tía tô và kinh giới rất dễ trồng, dễ chăm sóc lại ít bệnh, bệnh chủ yếu rệp và sâu xanh ăn lá, nếu trước khi trồng làm đất kỹ phơi khoảng 20 ngày mới trồng thì rau rất ít bệnh, thậm chí không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, đỡ tốn kém lại an toàn khi canh tác.

Rau tía tô và rau kinh giới có giá rất ổn định, thương lái thu mua tại vườn với giá từ 14.000 – 18.000 đồng/kg, có lúc lên tới 25.000 đồng/kg. Với 1,8 sào đất vườn nhà trồng rau tía tô, trồng rau kinh giới mỗi năm gia đình bà thu từ 120 – 130 triệu đồng, trừ chi phí gia đình thu lợi khoảng 100 triệu đồng.

“Hai loại rau tía tô và kinh giới dễ trồng hơn các loại rau khác, ít bị sâu bệnh nên cũng đỡ phải xịt thuốc sâu. Trồng hai loại rau này rất phù hợp với những gia đình có đất canh tác ít, không có công lao động, những người sức khỏe yếu như hai vợ chồng tôi.

Nhờ vườn rau tía tô, rau kinh giới, hai vợ chồng mỗi ngày cũng thu được mấy trăm nghìn để trang cuộc sống, cũng gọi là “đủ ăn đủ tiêu”, bà Lê Thị Ngà, tổ 2, khu phố Phú Thuận, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, vui vẻ cho biết thêm

 Trồng loại rau dân gian làm thuốc hen suyễn cả ngàn năm nay, dân Bình Phước cứ bán là hết sạch ảnh 1

Ông Lê Văn Lâm tổ 2 khu phố Phú Thuận phường Phú Thịnh thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) thu hoạch rau tía tô trồng tại vườn nhà

Tương tự với hơn 1,2 sào đất vườn, gia đình bà Đoàn Thị Yến ngụ khu phố Phú Thuận, phường Phú Thịnh (thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) cũng chọn rau kinh giới và tía tô để trồng, sở dĩ bà chọn hai loại rau này canh tác bởi nó dễ chăm sóc, tốn ít công, trồng một lần có thể thu ba bốn lần, lần đầu thu hoạch cắt ngang thân để lại khoảng 10cm.

Người trồng tiếp tục chăm bón để cây đẻ nhánh và thu hoạch vụ lần sau, chu kỳ thu hoạch ngắn mỗi lứa trồng khoảng 30 – 40 ngày.

Theo bà Yến, rau kinh giới và rau tía tô có thể trồng quanh năm, không phụ thuộc thời tiết, chỉ riêng lúc giao mùa thì phải thu hoạch nhanh để cây không ra bông, giá cả lại ổn định, mỗi ngày gia đình bà thu 250.000 - 300.000 đồng từ tiền bán rau. Như vậy 1,2 sào trồng rau kinh giới, trồng rau tía tô gia đình bà Yến thu lời từ 70 - 80 triệu đồng một năm.

“Trồng các loại rau khác thì mình phải chuyển đổi nhanh, cần nhiều công chăm sóc, còn trồng tía tô và kinh giới thì mình có thể thu hoạch nhiều lần đỡ phải tốn công làm đất trồng mới. Hơn nữa hai loại rau này cũng cho năng suất cao, thương lái đến thu mua tại vườn, giá cả lại ổn định”, bà Đoàn Thị Yến, khu phố Phú Thuận, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) thông tin thêm.

Hiện nay trên địa bàn phường Phú Thịnh có khoảng 30 hộ chuyên trồng rau thơm, trong số đó chủ yếu là trồng rau tía tô, rau kinh giới với diện tích khoảng 03 hecta. Theo người nông dân, trồng hai loại rau này rủi ro rất ít, do ít bị bệnh cho năng suất cao, thu nhập khá, chỉ cần có đầu ra ổn định là người nông dân có thể yên tâm gắn bó với mảnh vườn nhà mình.

Ông Lê Văn Lâm, tổ 2, khu phố Phú Thuận, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long có hơn 2 sào trồng tía tô và kinh giới cho biết: canh tác hai loại này thì rủi ro rất ít, bởi nó ít bị sâu bệnh; những người nông dân như chúng tôi vẫn sợ nhất là đầu ra không ổn định, giá cả thì cũng không cần cao lắm cứ như giá thị trường hiện nay là nông dân có thể “sống khỏe”.

"Chúng tôi chỉ mong muốn sau khi làm ra sản phẩm thì tiêu thụ được hết, không phải bỏ uổng công sức tiền bạc đầu tư...", ông Lâm chia sẻ.

Tía tô, kinh giới phù hợp với các hộ có ít đất canh tác, lại không có công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù vậy, Hội Nông dân phường Phú Thịnh cũng khuyến cáo bà con nông dân không thấy thế mà ồ ạt trồng hai loại rau này, một khi sản lượng nhiều dẫn đến cung vượt cầu thì ắt hiệu quả kinh tế mang lại không cao...

Cây tía tô tên khoa học là Perilla frutescens (L.), họ bạc hà (Lamiaceae). Phiến lá tía tô có lông tơ mịn, kích thước to dần về cuống lá và là lá đơn mọc đối. Chóp lá tía tô nhọn, rìa mịn đến răng cưa thô. Hai mặt lá tía tô màu xanh lục, thỉnh thoảng có màu tím ở mặt dưới.

Rau tía tô là một loại rau gia vị thơm ngon, bổ dưỡng, rau tía tô còn được sử dụng như là một loại dược liệu, có công dụng phòng, chống một số bệnh. Theo Y học cổ truyền Trung Quốc có lịch sử lâu đời, tía tô là một cây thảo dược cổ điển được sử dụng rộng rãi để chống lại bệnh hen suyễn nhờ thành phần luteolin trong tía tô có tác dụng giãn các cơ trơn của khí quản...


Link bài gốc:

https://danviet.vn/rau-tia-to-dan-gian-da-dung-lam-thuoc-hen-suyen-ca-ngan-nam-nay-dan-binh-phuoc-trong-la-giau-len-20230402130613708.htm?

Theo Báo Dân Việt
MỚI - NÓNG