Trong 24 giờ, TPHCM có số ca mắc COVID-19 kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 6h ngày 6/7 đến 6h ngày 7/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố ghi nhận 1.693 trường hợp mắc COVID-19, phần lớn là ở khu vực cách ly, khu phong tỏa...

Tại cuộc họp trực tuyến tối 7/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 6h ngày 6/7 đến 6h ngày 7/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố ghi nhận 1.693 trường hợp mắc COVID-19, phần lớn là ở khu vực cách ly, khu phong tỏa, có 212 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 682 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.

Trong 24 giờ, TPHCM có số ca mắc COVID-19 kỷ lục ảnh 1

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Theo Chủ tịch UBND TPHVCM Nguyễn Thành Phong, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Hiện nay, TPHCM đang điều trị 7.118 bệnh nhân. Tại 11 bệnh viện có 335 bệnh nhân nặng, trong đó có 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, trước tình hình dịch bệnh nêu trên, thành phố đã kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính với nhiều giải pháp:

Thành phố tạm dừng nhiều hoạt động chưa cần thiết; thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố 15 ngày đầu tháng 6 theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ (riêng Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 thực hiện theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ); giữa tháng 6 theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ và từ ngày 19 tháng 6 năm 2021 đến nay thực hiện theo Chỉ thị số 10 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Trong 24 giờ, TPHCM có số ca mắc COVID-19 kỷ lục ảnh 2

TPHCM đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như phong tỏa, cách ly, ...hàng trăm điểm nhưng số ca mắc không ngừng tăng cao.

TPHCM tạm dừng 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền và nhiều chợ truyền thống; siết chặt công tác phòng chống dịch tại các khu chế xuất khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung; phong tỏa, cách ly cục bộ một số khu vực và phân chia các địa phương thành 3 khu vực (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ) để áp dụng các biện pháp phòng dịch tương xứng.

Thành phố cũng đã thành lập 25 Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch, gồm Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Thành đoàn và giao quyền chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt này cho các địa phương, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung. Đặc biệt, các đồng chí Thường vụ các cấp đã trực tiếp cùng với hệ thống chính trị tại địa phương theo dõi chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Cùng với đó, thành phố đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động quyết định các biện pháp phòng dịch trên địa bàn. Đến nay, các địa phương đã chủ động cách ly, phong tỏa 157 địa điểm, trong đó Quận 7 đã áp dụng Chỉ thị số 16 toàn bộ Phường Tân Thuận Đông, một phần phường Tân Thuận Tây và một phần Phường Bình Thuận (không bao gồm phần diện tích thuộc Khu Chế xuất Tân Thuận).

Thành phố Thủ Đức đã áp dụng đối với phường Tân Phú (không bao gồm Khu công nghệ cao); huyện Hóc Môn đã áp dụng một phần ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm và 5 khu phố thuộc thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn,…Ngoài ra, các địa phương đã cách ly y tế tập trung F1 tại 127 điểm và cách ly y tế tập trung F1 tại 62 khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố tổ chức họp hằng ngày để đánh giá tình hình dịch bệnh; thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch hoạt động 24/24 giờ; thành lập Trung tâm Phân tích dữ liệu phòng chống dịch để kết nối dữ liệu với các địa phương, phục vụ nhanh nhất công tác chỉ đạo, điều hành.

Thành phố cũng đẩy mạnh công tác lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ rất cao. Hiện nay, Thành phố có 2.000 đội lấy mẫu, trong đó 1.200 đội chính và 800 đội dự phòng. Tổng công suất lấy mẫu của Thành phố đạt 1,3 triệu/mẫu ngày.

Về năng lực xét nghiệm, công suất đạt 400.000 mẫu gộp/ngày. Chỉ riêng từ ngày 26/5 đến nay, TPHCM đã xét nghiệm hơn 1,7 triệu mẫu nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm. Thành phố cũng thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm để điều phối khắc phục các hạn chế về xét nghiệm như: phối hợp tổ chức lấy mẫu, nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm, vận chuyển và điều phối mẫu đến các phòng xét nghiệm, khắc phục sự tương thích giữa các phần mềm trả kết quả của các phòng xét nghiệm,…

Thành phố cũng đã thành lập 100 tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng chống dịch trong sản xuất tại các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, ... đã triển khai tập huấn và ra quân đồng loạt vào ngày 25/6. Ngoài ra, TPHCM đã tổ chức lại các Tổ COVID cộng đồng theo hướng cứ 100 hộ dân có một Tổ để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng.

Trong 24 giờ, TPHCM có số ca mắc COVID-19 kỷ lục ảnh 3

Lấy mẫu xét nghiệm truy vết các FO

Thành phố đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp và đang tập trung triển khai 6 nhóm chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 886 tỷ đồng.

“Với những giải pháp nêu trên, có thể khẳng định, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố đã vào cuộc quyết liệt và triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, chủ động để kiểm soát, khống chế dịch bệnh”, ông Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại Thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng vi rút Delta.

Chủng vi rút này được Tổ chức Y tế thế giới xem là chủng trội toàn cầu, có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người thì chủng biến thể Alpha có thể lây cho đến 7 người khác, còn chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.

“Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, Thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch, đó là áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày trên địa bàn toàn thành phố từ 0 giờ ngày 9/7”, ông Phong nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG