Trọn nghĩa tình những thương binh vượt khó

Ông Nguyễn Phan Tâm (thứ nhất), bác sĩ Đỗ Thị Thanh Thu (thứ 2) từ trái sang. Ảnh: H.T.
Ông Nguyễn Phan Tâm (thứ nhất), bác sĩ Đỗ Thị Thanh Thu (thứ 2) từ trái sang. Ảnh: H.T.
TP - Sáng 25/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị tuyên dương “gương trọn nghĩa, vẹn tình, cùng thương binh vượt khó”. Trong rất nhiều thương, bệnh binh được tuyên dương, có những tấm gương thực sự “tàn nhưng không phế”.

Cuộc chiến thứ hai

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Phan Tâm (thương binh 3/4, ngụ huyện Củ Chi) tiếp tục cầm súng cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, trở về đời thường, gia đình ông Trâm đối mặt biết bao khó khăn. Không có đất canh tác, ruộng nhiễm mặn, hai vợ chồng ông Trâm đi làm thuê kiếm tiền nuôi hai con nhỏ. Ông là thương binh, sức khỏe kém, rất ít người thuê.

Không muốn trở thành gánh nặng cho vợ con, ông Tâm gạt nước mắt rời quê tìm kế mưu sinh. “Tôi tìm đến huyện Củ Chi và được chính quyền và nhân dân cưu mang, giúp đỡ. Nhà cửa không có, tôi phải cất một cái chòi nhỏ ở lề đường…”, ông Tâm nhớ lại.

Làm việc không quản ngại vất vả, dần dần ông Tâm tích luỹ được một ít tiền và quyết định mua một con heo nái. Từ 1 con, đàn heo nái trong chuồng tăng lên 3, 5, 10 rồi 20 con…

“Tôi đã mua được mảnh đất, cất một căn nhà lá. Đàn heo dần phát triển lên, đến nay tổng đàn nái là 200 con, heo thịt khoảng 1.000 con. Là một thương binh, là người lính cụ Hồ, tôi thấm nhuần lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Tâm tâm sự.

Đến nay, cuộc sống của ông Nguyễn Phan Tâm đã ổn định. Hai con của ông đều thành đạt, là thạc sỹ đang phục vụ trong lực lượng vũ trang.

Lặng lẽ tỏa hương giữa đời thường

Bác sỹ quân y Đỗ Thị Thanh Thu đã bước sang tuổi 81. Trở về từ chiến trường với chứng nhận thương binh hạng 3/4 nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn bám dai dẳng cuộc đời bà. Di chứng chất độc da cam đã cướp đi đứa con trai đầu của bà khi mới 16 tuổi. Đứa con trai thứ hai năm nay đã ngoài bốn mươi nhưng vẫn cứ ngơ ngẩn như trẻ lên ba.

Bà Thu nhớ lại: Cởi bỏ áo blue trắng trở về nhà, tôi trở thành một người bán hàng rong. Tôi thức khuya dậy sớm đi khắp hang cùng ngõ hẻm bán bánh cam kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống và lo tiền thuốc thang cho con. Mình là người lính, phải cố gắng vươn lên, không thể gục ngã...

Bệnh của con ngày càng nặng nhưng bà không cho phép mình chán nản, mất hy vọng. Năm 2014, bà Thu quyết định bán căn nhà 80m2 mua một căn hộ chung cư nhỏ để có tiền chạy chữa cho con. Khó khăn, thiếu thốn bộn bề nhưng thấy mẹ một chiến sỹ biệt động Sài Gòn không nơi nương tựa, bà đưa về chăm sóc cho đến ngày mẹ nhắm mắt ra đi.

Ai khó khăn tìm đến, bà Thu đều có ít cho ít, có nhiều cho nhiều. Bà cho rằng, mình tuy khó khăn nhưng vẫn có lương hưu hàng tháng, được đồng đội, chính quyền địa phương hỗ trợ. Bán được nhà, còn dư ít tiền, bà hỗ trợ hơn 60 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho đồng đội.

Chị Lê Hồng Ngọc, vợ thương binh Nguyễn Hải Quý (thương binh ¼ đặc biệt nặng) là giáo viên mầm non. Anh Quý trở về từ chiến trường Campuchia với hai chân liệt bể cột sống, đứt tủy, phải nằm một chỗ.

Gạt đi mặc cảm của anh Quý, chị Ngọc quyết tâm đến với anh để ngày đêm chăm sóc, bù đắp mất mát cho người mình yêu. “Vợ chồng một ngày sống với nhau cũng nên nghĩa trăm năm. Bác sĩ từng chẩn đoán anh Quý chỉ sống được 5 năm, cùng lắm là 10 năm nhưng anh đã cùng tôi vượt qua được 32 năm”, chị Ngọc kể.

Chị Ngọc tâm sự dù trải qua chuỗi ngày dài với biết bao vất vả, cực khổ nhưng vợ chồng chị luôn động viên nhau vượt qua khó khăn.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết các anh, chị là thương binh, bệnh binh nhưng không tự ty, dừng lại, không lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách mà tiếp tục lao động học tập giỏi hơn, đóng góp nhiều hơn,... Đó là những tấm gương sáng tiêu biểu cho ý chí và nghị lực vươn lên.

MỚI - NÓNG