59 là tổng số trận V-League đã chơi của các cầu thủ U23 Việt Nam đá chính trong trận tứ kết U23 châu Á với Saudi Arabia. Con số này chỉ được tạo nên bởi 4 cầu thủ, gồm Bùi Hoàng Việt Anh (30 trận), Nguyễn Thanh Bình (15), Nhâm Mạnh Dũng (8) và Trần Danh Trung (6). Nó sẽ giảm còn 37 trận nếu chỉ tính những lần góp mặt ở đội hình xuất phát.
Những thống kê đáng buồn này giải thích tại sao các cầu thủ U23 Việt Nam nhận được rất ít kỳ vọng thành công ở VCK U23 châu Á. Vũ Tiến Long, Quan Văn Chuẩn, Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường là những cái tên xa lạ cho đến trước tháng 6. Và cũng phải đợi đến SEA Games 31, mọi người mới có ấn tượng về Mạnh Dũng, Tuấn Tài, Văn Đô.
Khi tuyển Việt Nam tranh tài ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, HLV Park Hang-seo hơn một lần than thở về việc “con người chỉ có thế”. Ông không có lựa chọn bởi các CLB V-League không đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ. Trước tham vọng rút ngắn khoảng cách với các nền bóng đá lớn, HLV người Hàn Quốc khẩn thiết yêu cầu “đầu tư từ bóng đá trẻ”, trao cho họ cơ hội bởi “cầu thủ trẻ không thể đi lên trong thời gian ngắn, trong khi năng lực rất dễ đi xuống nếu không được ra sân”.
Các cầu thủ U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2022. Ảnh: Anh Đoàn |
Tuy nhiên, tạo không gian phát triển cho cầu thủ trẻ là vấn đề nan giải. HLV cũng như CLB chịu áp lực về mặt thành tích. Sử dụng cầu thủ kinh nghiệm hoặc ngôi sao ngoại rõ ràng là giải pháp an toàn hơn. Mới đây, một quan chức VPF tiết lộ “rất ít đội đồng ý với đề xuất mỗi CLB sử dụng ít nhất 1 cầu thủ dưới 23 tuổi/trận được đưa ra sau chiến tích ở VCK U23 châu Á tại Thường Châu”. Ông hy vọng các CLB sẽ đồng thuận ở lần xin ý kiến tới.
Thật ra, các nền bóng đá lớn không áp đặt mà chỉ khuyến khích sử dụng cầu thủ trẻ bằng các quy định liên quan đến quy mô đội hình. Tại Premier League chỉ có quy tắc về cầu thủ “cây nhà lá vườn” và được phép đăng ký không giới hạn cầu thủ dưới 21 tuổi. Ở Bundesliga, mỗi đội phải có tối thiểu 12 cầu thủ Đức, với ít nhất 8 người đi lên từ học viện của CLB.
Ở một số quốc gia châu Á, sử dụng cầu thủ trẻ là điều bắt buộc. China Super League quy định CLB Trung Quốc phải có ít nhất một cầu thủ U23 trên sân, còn K League của Hàn Quốc cũng có yêu cầu tương tự với một cầu thủ U22 (và cộng thêm 1 cầu thủ vào sân từ ghế dự bị). Điều này hóa ra lại phản tác dụng. Các CLB đối phó bằng cách tung cầu thủ trẻ vào những phút đầu hoặc phút cuối. Các cầu thủ trẻ không những không được thi đấu như họ muốn mà còn bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Dù vậy, các cầu thủ trẻ ở Hàn Quốc vẫn có cơ hội khác để thi đấu. Đó là R-League, giải đấu dành cho lứa trẻ hoặc cầu thủ dự bị. Tuy nhiên cơ cấu giải đấu dựa trên nhu cầu và sự tự nguyện của các CLB. Đây cũng là mô hình để Việt Nam tham khảo, nhằm tạo sân chơi cho những cầu thủ trẻ như U23. Dù sao họ vẫn được thi đấu trong lúc chờ đợi cánh cửa đội một mở ra.