Theo GS Hoàng Chí Bảo, những tư liệu quý giá thời trẻ của C.Mác liên quan mật thiết đến lý tưởng sống và lựa chọn giá trị của thanh niên hiện nay.
C.Mác sinh ngày 5/5/1818, tại Vương quốc Phổ. Ông sinh trưởng trong một gia đình trung lưu trí thức, bố là một trạng sư, một người làm trong bộ máy của nước Phổ nhưng lại có tư tưởng dân chủ tiến bộ và luôn ủng hộ tư tưởng, khát vọng tự do của con trai.
12 tuổi, C.Mác đã nghiên cứu một cách nghiêm túc ngôn ngữ cổ thời Hy Lạp và đã sớm thể hiện tư chất của một người có tư duy sáng tạo.
16 tuổi, C.Mác bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học. Tại kỳ thi này, C.Mác được ra một đề bài viết bài luận về chủ đề: “Ý nghĩ của người thanh niên khi chọn nghề”. C.Mác đã viết một cách say mê và chăm chú, thể hiện rõ chính kiến của mình. Bài luận có đoạn: “Ta phải chọn một nghề nào khả dĩ, mở ra một trường hoạt động rộng lớn về mặt xã hội và có thể đem lại hạnh phúc nhiều nhất cho nhân loại khổ đau. Nếu chỉ vì hạnh phúc riêng của ta thôi, ta có thể trở thành một nhà bác học, một luật sư, một nhà báo, một nhà văn danh tiếng nhưng điều đó thì thật là tầm thường vì nó chỉ là hạnh phúc riêng chật hẹp trong cá nhân ta thôi. Không, đời ta phải dâng hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng người nghèo”.
Sau khi tốt nghiệp xuất sắc ở trường trung học, C.Mác bắt đầu cuộc đời sinh viên từ lúc 17 tuổi. Ông không chỉ học ở những trường đại học danh tiếng mà còn chuyên tâm vào nghiên cứu nhiều lĩnh vực chuyên môn: Kinh tế, luật học, lịch sử, sử học, đặc biệt là triết học; để rồi sau này ở lứa tuổi 30 C.Mác đã thực sự là một triết gia lỗi lạc.
Độc lập viết luận án tiến sĩ
Những năm tháng tuổi trẻ và cuộc đời sinh viên của C.Mác đã tìm thấy một động lực tinh thần rất mãnh liệt và có ý nghĩa suốt đời đối với ông, đó là tình yêu của ông với Jenny, sau này là vợ, một người phụ nữ nguyện cả đời gắn bó, hy sinh vì sự nghiệp cao quý của chồng. Jenny sinh trưởng trong một gia đình quý tộc giàu có. Vì sự chênh lệch về địa vị xã hội, giai cấp như thế nên cuộc tình của C.Mác và Jenny gặp phải rất nhiều trở lực. Nhưng với tình yêu tha thiết, mãnh liệt, năm 18 tuổi, C.Mác đã bí mật đính hôn với Jenny.
Sau khi tốt nghiệp đại học, C.Mác đã độc lập nghiên cứu khoa học và tự mình viết một luận án tiến sĩ triết học với một đề tài rất khó trong lĩnh vực triết học thời đó: “Sự khác biệt giữa triết học tự nhiên của Epicurus với triết học tự nhiên của Democritus”. Viết xong luận án, C.Mác tự tin gửi đến Hội đồng bác học danh tiếng của nước Phổ lúc bấy giờ để đề nghị chấm cho ông. Chỉ sau 15 ngày C.Mác nhận được phản hồi. Ông nhận được một bì thư lớn, trong đó có tấm bằng Tiến sĩ triết học, cùng với bức thư của một vị giáo sư nổi tiếng, lúc đó là chủ tịch hội đồng bác học chấm luận án này. Bức thư viết: “Với bản luận án xuất sắc này, ông hoàn toàn xứng đáng để được trao tặng học vị tiến sĩ. Từ nay trở đi tiến sĩ C.Mác không phải thi thêm bất cứ một môn nào nữa”.
Sau khi nhận bằng tiến sĩ triết học, nếu C.Mác nhận lời cộng tác với chính quyền tư sản lúc bấy giờ thì bao nhiêu những danh vọng, giàu sang, phú quý rộng mở trước mắt nhưng ông lại lựa chọn cho mình con đường đấu tranh để giải phóng cho người nghèo.
Cuộc gặp gỡ định mệnh với Ăng-ghen
Năm 1845, tại Paris (Pháp) diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa C.Mác và Ăng-ghen (lúc này C.Mác 27 tuổi, Ăng-ghen 25 tuổi). Trước đây hai người hoạt động độc lập và có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, Ăng-ghen sinh trưởng trong gia đình đại tư sản. Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ lịch sử này, C.Mác và Ăng-ghen đã thống nhất hoàn toàn với nhau cả tư tưởng lẫn hành động. Những người nghiên cứu về C.Mác và chủ nghĩa Mác cho rằng, cuộc gặp gỡ này đem lại nỗi kinh hoàng cho giai cấp tư bản, bởi sự thống nhất tư tưởng của các ông là tuyên chiến với giai cấp tư sản. Ngược lại, cuộc gặp gỡ này đem lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Từ cuộc gặp gỡ này, cuộc đời và sự nghiệp C.Mác và Ăng-ghen tuy hai mà một.
Ở tuổi 30 C.Mác cùng Ăng-ghen viết Tuyên ngôn Đảng cộng sản, một văn phẩm có giá trị bằng hàng ngàn pho sách. Tác phẩm được coi là cương lĩnh chiến đấu của giai cấp công nhân cách mạng, cương lĩnh hành động của các Đảng cách mạng vô sản ở thế kỷ 19 và đến nay vẫn còn giá trị, sức sống.