> Báu vật rừng với những cuộc chiến ngầm
> Đại gia đá quý kể chuyện kiếm triệu đô
Châu Bình, xứ sở bình yên, từng bị xới tung lên vì nạn đá đỏ (hay còn gọi là hồng ngọc, ru-bi). Từ khắp nơi, giang hồ tứ chiếng dồn về, nhiều tay anh chị nổi máu yêng hùng, xưng hùng xưng bá. Mại dâm, nghiện hút và nạn cướp bóc thừa cơ trỗi dậy…
Gặp người đầu tiên vào mỏ đá
Ông Đỗ Văn Hiệp, một trong những phu đá đầu tiên khai phá vùng đá đỏ Quỳ Châu. |
Xã Châu Bình nằm trên quốc lộ 48, cách TP Vinh khoảng 130km. “Năm bùng nổ “bão” đá đỏ, đường lên Châu Bình là đường đất được rải đá dăm, nắng thì bụi, mưa xuống lại sình lầy, rất khó đi”, ông Vi Văn Chiến, một người dân Quỳ Châu cho biết.
Khu vực này nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhưng trong giai đoạn cao trào “bão” đá đỏ, môi trường một vùng rộng lớn bị tàn phá nghiêm trọng.
Chúng tôi may mắn gặp được ông Đỗ Văn Hiệp, cựu công nhân Lâm trường 61 (nay là Lâm trường Đò Ham) đóng tại Châu Bình, một trong những người đầu tiên phát hiện ra mỏ đá đỏ tại Châu Bình.
Ông Hiệp kể: “Một hôm tôi vào rừng, thấy nhóm người đang hì hục đào hố bèn đến xem. Lạ! Vùng đồi núi khỉ ho cò gáy này có gì mà đào bới? Hỏi tìm gì dưới đất, họ không nói. Thỉnh thoảng, từ đống đất cát moi lên, tốp thợ nhặt được những viên đá màu hồng tía, loại nhỏ.
“Loại đá này nhà tôi có mấy viên!”. Nghe tôi nói vậy, có anh cai thầu đứng trực ở đấy sáng mắt ra, cuống quýt hỏi “Bác tìm được ở đâu? Chỗ đó nhiều đá màu không?”. Tôi chạy về nhà lấy đá mang ra, xem xong, họ đề nghị tôi cùng hợp tác khai thác đá. Bọn họ có 10 người, cộng với 4 cha con tôi, tất cả là 14 người rồng rắn vác cuốc sang đồi Triệu”.
Núi rừng hoang vắng, rậm rạp, cha con ông Hiệp vạch lá tìm lối đi. Đến triền đồi, 14 người chia làm hai tốp hì hục đào. “Tôi đào chiếc hố rộng chừng 1,5m, sâu chừng mét đất, phát hiện thấy viên đá chừng đầu ngón tay út, rất đẹp!”, ông Hiệp kể.
Bán viên đá 19 triệu đồng, cha con ông được chia 8 triệu. Cầm 8 triệu đồng trong tay, ông Hiệp khấp khởi mừng, nghĩ bụng phen này giàu sụ. Đá màu dưới mặt đất chắc còn nhiều, tha hồ mà hốt về!
Hy vọng vừa nhen lên chợt vụt tắt. Nghe tin có nhóm người từ Kim Sơn (Ninh Bình) đến Châu Bình khai thác đá trái phép, Công an huyện Quỳ Châu cử tổ công tác xuống dẹp. Đồi Triệu lại vắng lặng, những cơn mưa rừng giội xuống thung lũng mau chóng xóa nhòa dấu tích cuộc khai phá đầu tiên.
Quốc lộ 48 chạy qua bản Bình Ba thảng hoặc xe qua, không ai biết ngay bên cạnh con đường dẫn tới Quỳ Châu có mỏ đá quý đã ngàn năm ẩn dật trên triền đồi, im lìm trong lòng đất.
Hồng ngọc và máu
Phó GĐ Công an Nghệ An, đại tá Nguyễn Hữu Cầu, nguyên Trạm phó Trạm CSND Vùng KT đặc biệt đóng tại Châu Bình. |
Tin đào được đá đỏ tại Châu Bình mau chóng lan truyền ra ngoài, từng tốp dân bản địa hè nhau vác xẻng, cuốc lên đồi. Hàng nghìn người ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh và các huyện lân cận ồ ạt kéo về Quỳ Châu, dựng lều bạt ở trên núi, dọc quốc lộ 48, khung cảnh rất hỗn loạn.
Trong một thời gian ngắn, đồi Triệu bị cày nát, tan hoang. “Hố to, hố nhỏ san sát nhau, khoét sâu vào lòng núi khiến quả đồi tả tơi như vừa qua một trận bom!”, ông Hiệp nhớ lại.
“Làm thịt” xong đồi Triệu, dòng người tấn công đồi Nứa, đồi Mộ, đồi Tỵ. Giữa cảnh hỗn cư hỗn mang, thấy nghề phu đá vừa nhọc nhằn vừa nguy hiểm, ông Hiệp chuyển sang làm “đầu nậu” chuyên mua bán, thu gom đá đỏ. Vợ ông tranh thủ mở hàng quán chuyên bán mì tôm, nước uống.
Nhiều đêm, xuất hiện xe Minsk hùng hục phi từ rừng ra, phía sau chở manh chiếu cuộn tròn. Đó là những phu đá tử nạn ở vùng tâm bão đá đỏ, bọc tạm trong manh chiếu chở về quê. |
“Ngày cũng như đêm, đoạn đường đi qua bản Bình Ba chật như nêm. Ô tô, xe máy, kẻ gồng người gánh khiến cả một đoạn đường dài bị ách tắc!”, ông Đỗ Văn Hiệp kể. Dòng người ùn ùn đổ về Châu Bình, mang theo nhiều tệ nạn: Mại dâm, nghiện ngập, trấn lột, cướp giật. Xuất hiện những cai thầu dữ tợn, dưới trướng luôn túc trực hàng trăm phu đá lẫn đầu gấu. Giang hồ tứ chiếng khắp nơi tràn về, lập băng đảng tranh hùng, chiếm đất khai thác đá đỏ và xua quân đi trấn lột, cướp đá của người khác.
Nhiều trận kịch chiến giữa dân Quỳ Châu và các băng đảng đầu gấu nổ ra, hàng loạt cuộc thanh toán đẫm máu giữa các nhóm khai thác đá biến Châu Bình thành mảnh đất dữ dằn, nhuốm đầy máu và nước mắt.
“Cứ vài ngày, lại nghe tin có người chết. Ở đây có nhiều lý do để chết, không ít phu đá đỏ tử nạn vì hầm sập, hoặc bị đầu gấu đánh tử vong, hoặc sốt rét ác tính quật ngã. Họ quần quật đào đất giữa trời nắng nóng, có hôm nhiệt độ trên 40 độ C mà vẫn nai lưng giữa triền đồi, và cả trong những ngày rét căm căm cũng không được nghỉ, không chết mới là lạ!”, một người dân trú tại bản Kẻ Ham kể.
Một đêm tối trời, ba đại ca quê Đồng Hợp (Quỳ Hợp) xua đám đệ tử tấn công, giành “lãnh địa” của người dân Châu Bình. Tiếng kẻng trong bản vang lên, hàng trăm người mang theo gậy gộc, dao, rựa xông ra. Kết cục, ba đại ca đến từ huyện lân cận bỏ mạng.
Cơn bão đá đỏ càn quét qua Châu Bình, làm đảo lộn cuộc sống của một bộ phận lớn cư dân bản địa. Từng đoàn người kéo nhau tràn lên đồi tìm vận may, bỏ bê đồng ruộng, nương rẫy.
“Họ ra đi với hy vọng đổi đời. Ai may mắn tìm được một viên hồng ngọc, có thể bán được hàng chục triệu đồng, bằng mấy năm làm rẫy!”, ông Hiệp nói. Lăn lóc giữa rừng thiêng nước độc, phu đá đỏ không chỉ bị hành hạ bởi thời tiết dị thường, khắc nghiệt của miền Tây xứ Nghệ, mà họ luôn phải đối mặt với nạn “đầu gấu”.
Các “đại ca” cai quản lãnh địa đá đỏ không từ bất cứ thủ đoạn nào, sẵn sàng xuống tay tàn độc hạ sát phu đá đo, thủ tiêu, cướp trắng số đá mà người dân khai thác được.
Tình hình an ninh trật tự tại xã Châu Bình giữa năm 1990 hết sức hỗn loạn, mất kiểm soát. Công an tỉnh Nghệ Tĩnh cử 34 cán bộ, chiến sỹ về cắm chốt ở Quỳ Châu, thành lập Trạm CSND Vùng Kinh tế đặc biệt.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là điều tra, xử lý các vụ việc xảy ra tại khu vực Châu Bình; phối hợp với các lực lượng chức năng khác đẩy đuổi, ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên trái phép và vãn hồi trật tự tại địa phương”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu- PGĐ Công an Nghệ An, nguyên Trạm phó Trạm CSND đóng tại bản Bình Ba cho biết. Không có trụ sở, cảnh sát phải cư trú trong nhà dân, rồi ra dựng lều ngay trên sườn đồi để ở.
Cuối năm đó, Công an Nghệ Tĩnh huy động thêm một tiểu đoàn CSCĐ tăng cường lên Châu Bình, phối hợp lực lượng CSHS, CSGT và lực lượng bộ đội, dân quân dẹp loạn đá đỏ.
“Cảnh sát bắt giam 36 tên “đầu gấu” cộm cán. Không có nhà tạm giữ, các nghi phạm được nhốt chung trong thùng container. Hai bên chiếc thùng rỗng đục nhiều lỗ để thông gió!”, Phó phòng PC13 Công an Nghệ An Hoàng Văn Tấn nhớ lại.
Năm đó, ông Tấn được giao giữ chìa khóa quản lý số nghi phạm bắt giữ tại Châu Bình. Máu đã đổ trong những lần truy kích, không ít tên côn đồ đã tấn công chống lại cảnh sát…
Đồi Tỵ, đồi Triệu, đồi Nứa, đồi Mộ, những triền đồi màu đất đỏ quạch màu máu, là nơi từng diễn ra nhiều cuộc thanh toán, chém giết rùng rợn; nơi chứng kiến dòng người lũ lượt đi tìm vận may, mong có cơ hội đổi đời.
Những triền đồi âm u, hoang lạnh Châu Bình, là nơi đã vùi chôn bao kiếp người đen bạc. Phu đá đỏ khoét sâu lòng núi, chui vào lòng đất với hy vọng mở đường tương lai, nhưng dưới hầm sâu hun hút ấy hơn 70 con người đã không tìm thấy đường về...
Còn nữa
Trang You Tube giờ vẫn còn lưu nhiều bài Xẩm đá đỏ, mô tả hành trình nhọc nhằn và đầy hiểm nguy của những người đi tìm đá đỏ ở Châu Bình. Một nghệ nhân mù lang bạt từ đất Bắc về Quỳ Châu đã phỏng theo nhạc Chê, sáng tác nên những lời ca thê lương, dằng dặc nhiều năm sau đó. |